Multimedia Đọc Báo in

Cả nước đã có 30 địa phương ghi nhận bệnh tay - chân - miệng

10:30, 10/06/2011

Ngày 9-6, PGS-TS Nguyễn Trần Hiển, Viện trưởng Viện Vệ sinh Dịch tễ Trung ương, cho biết, từ đầu năm đến nay, cả nước đã ghi nhận 6.112 trường hợp mắc bệnh tay - chân - miệng (TCM) tại 30 địa phương, trong đó có 19 trường hợp tử vong.

Bệnh TCM có dấu hiệu đặc trưng là sốt, đau họng, đau miệng; loét miệng với vết loét đỏ hay phỏng nước ở niêm mạc miệng, lợi, lưỡi; phát ban dạng phỏng nước ở lòng bàn tay, lòng bàn chân, gối, mông. Bệnh có thể gây biến chứng nguy hiểm như viêm não - màng não, viêm cơ tim, phù phổi cấp và dẫn tới tử vong nếu không được phát hiện sớm và xử lý kịp thời. Theo PGS-TS Nguyễn Trần Hiển, từ đầu năm 2011 đến nay, tác nhân gây bệnh chủ yếu của bệnh tay - chân - miệng là các virus gây bệnh đường ruột ở người, đặc biệt là Enterovirus 71 (EV71) và virus Coxsackievirus (CA16). EV71 thường gây bệnh nặng và tử vong trong nhiều đợt dịch xảy ra ở khu vực châu Á - Thái Bình Dương thập kỷ vừa qua và lần đầu tiên được báo cáo ở TP. Hồ Chí Minh vào năm 2003. Trong đợt dịch ở TP. Hồ Chí Minh năm 2005, hầu hết các bệnh nhân là trẻ em dưới 5 tuổi và 42,1% liên quan với virus EV71. Đến năm 2008 cả nước có 55 ca bệnh TCM tại 13 tỉnh, trong đó có 27,3% dương tính với EV71, không có ca bệnh tử vong nào được ghi nhận. Các chủng EV71 lưu hành ở nước ta trước năm 2011 chủ yếu là virus EV71 (phân tuýp C1, C4 và C5).

Trẻ mắc bệnh TCM điều trị tại Bệnh viện Nhi đồng I, TP. Hồ Chí Minh. Ảnh: TL

Hiện nay, dư luận đang xôn xao trước kết quả phân tích từ Đài Loan phát hiện chủng virus tuýp B2 thuộc EV71 trên mẫu bệnh phẩm lấy từ hai bệnh nhi mắc TCM  tử vong tại Bệnh viện Nhi đồng 1 ( TP.Hồ Chí Minh). Trước thông tin xuất hiện chủng vi rút mới gây bệnh TCM, ông Nguyễn Văn Bình, Cục trưởng Cục Y tế Dự phòng (Bộ Y tế) cho rằng, các tài liệu nghiên cứu của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) từng chứng minh tuýp vi rút EV71 đã gây bệnh ở nhiều quốc gia. Trong các đợt dịch ở Đài Loan năm 1998 và các đợt dịch sau này ở Philippines, Indonesia, Singapore, người ta thấy tuýp virus nhóm B thuộc EV71 vẫn lưu hành ở khu vực Đông Nam Á. Việt Nam nằm trong khu vực nên có thể nhóm vi rút này đã tồn tại từ lâu. Còn theo WHO, vi rút EV71 thường gây bệnh nặng hơn so với các vi rút khác nhưng hiện chưa có bằng chứng thuyết phục về sự biến chủng có thể làm tăng quá trình nhiễm trùng hệ thần kinh trung ương và tử vong; đồng thời cũng chưa biết mối liên quan giữa các yếu tố như tuổi, giới, vị trí cảm thụ của vi rút.... Những yếu tố có thể làm bệnh diễn biến nặng hơn là liều nhiễm trùng, thay đổi đáp ứng miễn dịch qua trung gian tế bào, yếu tố kháng nguyên hay mối liên quan giữa tuổi, giới tính... vẫn đang được theo dõi. Hiện các nhà khoa học đang giám sát chặt chẽ sự biến đổi và nghiên cứu sâu về dịch tễ học, virus học, bệnh học để hiểu rõ các yếu tố làm cho bệnh nặng hơn, từ đó có cơ sở phát triển vắcxin phòng bệnh.

Bên cạnh đó, đứng trước việc số ca mắc và tử vong do bệnh TCM tăng nhanh khiến nhiều người lo ngại về sự bất thường của dịch bệnh này, ông Bình cho biết thêm, so với cùng kỳ năm 2010 thì số mắc TCM trên cả nước tăng gần 40%. Nếu so sánh với các nước trước đây xảy ra dịch bệnh này thì tình hình ở nước ta cũng không phải là hiện tượng bất thường, bởi đây là bệnh lây nhiễm qua đường tiêu hóa và tiếp xúc, bệnh gia tăng mạnh từ tháng 4 đến tháng 6. Như vậy, ở thời điểm này, số mắc cao ở các tỉnh thì cũng không phải là đặc biệt, mà dịch năm nay vẫn theo quy luật thông thường. Tuy nhiên, sự phức tạp của bệnh do nhiều yếu tố, đặc biệt là đường lây phong phú, tác nhân gây bệnh khác nhau... nên việc phát hiện trẻ bệnh và cách ly ngay chưa được làm tốt ở cộng đồng. Ngay cả việc vệ sinh dụng cụ học tập, đồ chơi và các vật dụng khác chưa được quản lý, xử lý triệt để trong khi nhận thức của người dân về bệnh tay - chân - miệng còn hạn chế nên dịch luôn đe dọa bùng phát. Do đó, để phòng nguy cơ lây lan bệnh, ngành Y tế khuyến cáo cần cách ly bệnh nhân, vệ sinh răng miệng, rửa tay sạch sẽ trước khi ăn và sau khi chơi đồ chơi chung, khử khuẩn phân và chất thải của bệnh nhân… Đồng thời, khuyến cáo người dân khi phát hiện trẻ có dấu hiệu mắc bệnh phải thông báo cho nhà trường và cơ sở y tế; cho trẻ nghỉ đến lớp ít nhất 10 ngày kể từ ngày khởi bệnh và chỉ đến lớp khi hết loét miệng, phỏng nước.

K.O (tổng hợp)


Ý kiến bạn đọc