Multimedia Đọc Báo in

Ban Chỉ đạo cải cách tư pháp Trung ương thăm và làm việc tại Dak Lak

11:28, 08/12/2011

Ngày 7-12, Đoàn công tác Ban chỉ đạo cải cách tư pháp (CCTP) Trung ương do  Ủy viên T.Ư Đảng, Phó Chánh Văn phòng T.Ư, Phó trưởng Ban Thường trực Ban Chỉ đạo CCTP T.Ư Lê Thị Thu Ba làm Trưởng đoàn đã đến thăm và làm việc với Ban Chỉ đạo CCTP tỉnh và huyện Krông Pak. Tiếp và làm việc với Đoàn có Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Trưởng ban CCTP tỉnh Hoàng Trọng Hải; lãnh đạo huyện Krông Pak cùng các ngành liên quan.

Pho
Ủy viên T.Ư Đảng, Phó Chánh Văn phòng T.Ư, Phó trưởng Ban Thường trực Ban Chỉ đạo CCTP Trung ương Lê Thị Thu Ba phát biểu tại buổi làm việc với Ban Chỉ đạo CCTP tỉnh

* Thực hiện Nghị quyết 49-NQ/TW ngày 2-6-2005 của Bộ Chính trị khóa IX về “Chiến lược cải cách tư pháp đến năm 2020”, Ban Thường vụ Tỉnh ủy đã thành lập và kiện toàn Ban Chỉ đạo CCTP của tỉnh. Trên cơ sở đó, các sở, ban, ngành, địa phương trong tỉnh đã cụ thể hóa nhiệm vụ trọng tâm công tác CCTP bằng những chương trình, kế hoạch phù hợp với thực tế của từng đơn vị. Đến năm 2009, toàn bộ 15 đơn vị toà án cấp huyện đã được tăng thẩm quyền xét xử, nhìn chung chất lượng xét xử đều đảm bảo kịp thời, đúng quy định của pháp luật. Các đơn vị trong ngành Kiểm sát thực hiện nhiệm vụ theo thẩm quyền mới đã làm tốt chức năng, nhiệm vụ, đảm bảo các vụ án khởi tố, điều tra, truy tố, xét xử đúng người, đúng tội danh, điều khoản của Bộ luật Tố tụng hình sự.

ông
Thứ trưởng Bộ Tư pháp Phạm Quý Tỵ phát biểu tại buổi làm việc với Ban Chỉ đạo CCTP tỉnh

Để chuẩn bị các điều kiện cần thiết cho việc triển khai thành lập Tòa án Nhân dân sơ thẩm khu vực và Viện Kiểm sát Nhân dân khu vực, hai ngành chức năng trên của tỉnh đã đề xuất chia 15 Tòa án Nhân dân và 15 Viện Kiểm sát Nhân dân cấp huyện thành 11 Tòa án khu vực và 11 Viện Kiểm sát khu vực. Các cơ quan tư pháp đã phối hợp chặt chẽ với ngành cấp trên và cấp ủy cùng cấp trong việc củng cố, kiện toàn tổ chức, bộ máy tư pháp; phổ biến, tuyên truyền và giáo dục pháp luật sâu rộng trong các tầng lớp nhân dân; hoạt động khởi tố, điều tra, xét xử đảm bảo nghiêm minh, đúng người, đúng tội, đúng pháp luật, không làm oan người vô tội và không bỏ lọt tội…

vien
Lãnh đạo Viện Kiểm sát Nhân dân tỉnh trả lời những thắc mắc của Đoàn công tác

Nhờ vậy, từ năm 2006-2010, ngành Công an đã thụ lý điều tra 7.661 vụ với 12.491 bị can, hoàn thành điều tra 7.282 vụ với 11.819 bị can; ngành Kiểm sát thụ lý điều tra 7.647 vụ án, số vụ đã xử lý xong 6.308 vụ đạt 97,2%; ngành Tòa án đã thụ lý 33.524 vụ án các loại, đã giải quyết được 32.970 vụ, đạt tỷ lệ trên 98%...

* Tại huyện Krông Pak, để triển khai thực hiện hiệu quả Nghị quyết 49-NQ/TW của Bộ Chính trị, huyện thành lập Ban Chỉ đạo CCTP, tập trung xây dựng các cơ quan tư pháp, củng cố, kiện toàn đội ngũ cán bộ, đổi mới phương pháp, lề lối làm việc, đề ra những nhiệm vụ và giải pháp cụ thể đối với từng cơ quan tư pháp của huyện. Các cơ quan tư pháp đã chủ động trong công tác phối hợp liên ngành để điều tra, truy tố, xét xử và thi hành án bảo đảm không để xảy ra oan sai, bỏ sót tội phạm. Tòa án đã đưa các vụ án ra xét xử kịp thời, đúng hạn luật định và đưa đi xét xử lưu động các loại vụ án phức tạp, hoặc có tính chất đặc biệt nghiêm trọng nhằm góp phần tuyên truyền, giáo dục, phòng ngừa chung. Việc tranh tụng tại các phiên tòa ngày càng được nâng lên theo đúng tinh thần CCTP. Trong xét xử, quan điểm giữa Viện Kiểm sát và Tòa án ngày càng đồng nhất về tội danh, mức hình phạt. Bên cạnh những kết quả đạt được, công tác tư pháp trên địa bàn huyện vẫn còn bộc lộ những tồn tại, hạn chế: việc triển khai thực hiện Nghị quyết 49-NQ/CP ở một số đơn vị chưa sâu sát, biện pháp chưa đa dạng, đồng bộ; trình độ chuyên môn, nhận thức và trách nhiệm của một số bộ phận cán bộ trong các cơ quan tư pháp chưa có chuyển biến rõ nét; việc phổ biến, giáo dục pháp luật chưa sâu sát với đặc điểm của từng vùng dân cư; quá trình thụ lý các bản án, quyết định có hiệu lực pháp luật đôi khi chưa kịp thời, đầy đủ, có trường hợp thi hành án chậm…

Krong pak bao cao.JPG
Đại diện Ban Chỉ đạo CCTP huyện Krông Pak báo cáo kết quả 6 năm triển khai thực hiện Nghị quyết 49-NQ/TW trên địa bàn huyện

Ban Chỉ đạo CCTP tỉnh và huyện Krông Pak cũng nêu lên một số kiến nghị, đề xuất với Ban Chỉ đạo CCTP Trung ương như: đề nghị Chính phủ cấp thêm kinh phí hoạt động, đầu tư trang thiết bị, phương tiện cho hoạt động điều tra, truy tố, xét xử của các cơ quan tư pháp; bổ sung thêm lực lượng điều tra viên và đầu tư xây dựng kho vật chứng cho ngành Công an các cấp; tăng cường công tác đào tạo, bồi dưỡng chuyên môn, nghiệp vụ cho cán bộ tư pháp; hoàn thiện hệ thống pháp luật, cơ sở pháp lý cho hoạt động tư pháp; có định hướng, cơ chế chịnh sách cụ thể trong việc xã hội hóa một số hoạt động bổ trợ tư pháp; có hướng dẫn cụ thể về lộ trình thực hiện từng việc theo nội dung yêu cầu của Nghị quyết 49-NQ/CP; có chế độ, chính sách hợp lý đối với cán bộ tư pháp để thu hút cán bộ đủ trình độ và ý thức trách nhiệm phục vụ nhân dân…

ba ba phat bieu
Quang cảnh buổi làm việc của Đoàn công tác Ban Chỉ đạo CCTP Trung ương tại huyện Krông Pak

Phát biểu tại buổi làm việc với Ban Chỉ đạo CCTP tỉnh và huyện Krông Pak, đồng chí Lê Thị Thu Ba ghi nhận những nỗ lực trong lộ trình thực hiện công tác CCTP của tỉnh Dak Lak nói chung cũng như huyện Krông Pak và đề nghị Ban chỉ đạo CCTP các cấp trong tỉnh tiếp tục tăng cường công tác lãnh đạo, chỉ đạo các cơ quan, tổ chức và nhân dân thực hiện tốt Nghị quyết 49-NQ/TW của Bộ Chính trị. Đồng chí nhấn mạnh, thời gian tới, các cơ quan tư pháp cấp tỉnh, huyện cần rà soát lại nhu cầu về nhân lực và có đề xuất biên chế hợp lý nhằm tăng hiệu quả giải quyết công việc nhất là ngành Tòa án, Kiểm sát; nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ tư pháp cả về trình độ, chuyên môn, nghiệp vụ nhằm đẩy mạnh hiệu quả hoạt động CCTP; cần tạo điều kiện, cơ chế cho các luật sư nâng cao vai trò, vị thế của mình trong tố tụng tại các phiên tòa, nhất là các phiên tòa có luật sư chỉ định; xã hội hóa công tác giám định trong hoạt động tư pháp…

Nguyễn Xuân
 


Ý kiến bạn đọc