Multimedia Đọc Báo in

Dự báo tình hình xuất khẩu nông sản năm 2012 tiếp tục ổn định

08:51, 17/01/2012

Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn vừa đưa ra dự báo về triển vọng xuất khẩu một số mặt hàng nông sản năm 2012. Theo đó, trong năm 2012, dự báo xuất khẩu nông sản sẽ ổn định. Tuy nhiên, do ảnh hưởng của tình hình khó khăn trên thị trường thế giới, nên sản lượng và giá trị chỉ tương đương năm 2011
 

Về xuất khẩu gạo, khối lượng gạo xuất khẩu của năm 2012 có thể dao động ở mức 6,8-7,3 triệu tấn. Được biết, lượng gạo xuất khẩu dự báo giảm ở 2 nước xuất khẩu lớn nhất thế giới là Việt Nam và Thái Lan, trong đó khối lượng gạo xuất khẩu của Việt Nam dự báo giảm 300 ngàn tấn, Thái Lan giảm 2,5 triệu tấn. Trong năm 2012, khối lượng gạo nhập khẩu của một số nước nhập khẩu chính trên thế giới cũng được dự báo sẽ giảm mạnh. Cụ thể, với Indonesia giảm 1,775 triệu tấn (so với mức 2,775 triệu tấn năm 2011).

Khối lượng gạo xuất khẩu năm 2012 dự đoán dao động ở mức 6,8 đến 7,3 triệu tấn


Với xuất khẩu cà phê, Bộ NN&PTNT dự báo kim ngạch xuất khẩu trong năm 2012 chỉ đạt hơn 2 tỷ USD. Nguyên nhân là do xu hướng giá thế giới giảm,  đồng thời sản lượng cà phê trong nước năm nay sẽ không bằng năm ngoái. Trong năm 2011, giá cà phê trên thị trường thế giới biến động tăng liên tục trong giai đoạn 4 tháng đầu năm và đạt đỉnh ở mức 247,63 US cents/lb vào ngày 3/5, tăng 25,1% so với mức giá đạt được hồi đầu năm. Tuy nhiên, kể từ sau mức đỉnh cao này, giá cà phê thế giới đã liên tục điều chỉnh giảm.

Sản phẩm cà phê là một trong những mặt hàng xuất khẩu có giá trị


Xuất khẩu cao su, năm 2012 được nhìn nhận không có nhiều thuận lợi đối với mặt hàng nông sản chủ lực này của Việt Nam. Theo dự báo của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, khối lượng cao su xuất khẩu năm 2012 có thể đạt hơn 880 nghìn tấn, cao hơn mức 846 nghìn tấn của năm 2011, nhưng giá trị kim ngạch chỉ ở mức trên 2,1 tỷ USD. Theo Bộ NN&PTNT, nguyên nhân của sự sụt giảm này là do xu hướng giá trên thị trường thế giới gần đây có nhiều biến động. Cụ thể, giá cao su kỳ hạn tại thị trường Tokyo ngày giao dịch đầu tuần từ 19 đến 22-12-2011 tiếp tục đà giảm của tuần trước do lo ngại khả năng một loạt các nước khu vực đồng tiền chung Châu Âu có thể bị hạ  bậc xếp hạng tín dụng làm dấy lên lo ngại tăng trưởng kinh tế toàn cầu sẽ bị chậm lại vào năm tới. Tại sàn giao dịch Thượng Hải, giá cao su tất cả các kỳ hạn cũng đồng loạt giảm sau khi có một phiên tăng nhẹ vào cuối tuần trước, xuất phát từ dự báo sản xuất của Thái Lan trong năm 2012 có thể đạt con số 3,15 triệu tấn, tăng 5% so với năm 2011. Năm 2012, dự báo nhu cầu cao su tiếp tục tăng, trong đó nhu cầu đối với mặt hàng cao su tổng hợp sẽ tăng 5% trong năm 2011 và tăng 9% năm 2012. Trong khi nhu cầu cao su thiên nhiên tăng với tốc độ thấp hơn với mức tăng 3,8% trong năm 2011 và 5,4% vào năm 2012.
 

Về xuất khẩu hạt điều, Bộ NN&PTNT dự báo, khối lượng xuất khẩu hạt điều của năm 2012 có thể đạt hơn 200 ngàn tấn với trị giá 1,75 tỷ USD, tăng khá cao so với con số tương ứng 178 ngàn tấn và 1,5 tỷ USD của năm 2011. Năm 2011, thị trường hạt điều thô thế giới diễn ra khá trầm lắng. Hiện các nhà chế biến vừa và nhỏ đang mua hạt điều thô của Indonesia và Tanzania với mức giá từ 1.475 đến 1.525 USD/tấn (C&F). Tại thị trường Delhi-Ấn Độ, giá điều nhân nội địa loại W240 ngày 24/12 đạt mức 550 Rupi/kg, giá điều nhân loại 2 mảnh vỡ đạt 410 Rupi/tạ tương đương với mức giá thời điểm đầu năm. Điều nhân loại W320 có khối lượng giao dịch lớn nhất, hiện có mức giá 500 Rupi/tạ, tăng 10% so với đầu năm tuy nhiên giảm 12,7% so với mức giá cuối quý 3/2011.
 

Xuất khẩu thủy sản năm 2012 sẽ tiếp tục tăng


Các mặt hàng nông sản khác như chè, thủy sản… cũng được dự báo sẽ tiếp tục ổn định và có xu hướng tăng trong năm 2012. Cụ thể, xuất khẩu chè năm 2012 có thể tăng về sản lượng, dự báo đạt khoảng 140 nghìn tấn (năm ngoái là 131 nghìn tấn), nhưng giá trị kim ngạch thì  dưới 190 triệu USD (năm ngoái là 198 triệu USD). Xuất khẩu thủy sản trong năm 2012 cũng sẽ tiếp tục tăng, ước có thể đạt 6,6 tỷ USD thay cho mức khoảng 6,1 tỷ USD của năm 2011.

Theo TTXVN
 


Ý kiến bạn đọc