Multimedia Đọc Báo in

Trình phê duyệt đề án tổng thể bảo tồn voi Việt Nam, giai đoạn 2012–2020

08:01, 12/12/2012

Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) vừa có tờ trình số 4148/TTr–BNN–TCLN gửi Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt Đề án tổng thể bảo tồn voi Việt Nam, giai đoạn 2012–2020.

Mục tiêu chung của Đề án là bảo tồn, phát triển bền vững những quần thể voi hoang dã và voi nhà hiện có ở Việt Nam; bảo tồn, khôi phục các vùng sinh cảnh nơi có quần thể voi đang sinh sống. Cụ thể: ngăn chặn sự suy giảm số lượng voi, bảo đảm ít nhất ba khu vực có voi sinh sống là Vườn quốc gia Yok Đôn, Pù Mát và Cát Tiên được bảo tồn ổn định và phát triển bền vững. Đến năm 2020, số lượng cá thể voi sinh sản tự nhiên tăng từ 3–6 cá thể. Với những quần thể voi có số lượng ít, hiện đang cô lập thì bảo tồn tại chỗ nhằm tạo cơ hội tối đa sống sót trong thời gian dài. Giảm tối đa xung đột voi – người tại vùng có voi phân bố; những nơi có quy mô đàn voi nhỏ lẻ, xây dựng phương án, kế hoạch bắt di chuyển để tái cấu trúc đàn voi nhằm phát triển bền vững. Riêng tại Dak Lak, bảo tồn và phát triển quần thể voi nhà để đến năm 2020, giữ nguyên số lượng cá thể voi nhà và cho sinh sản thành công từ 2–4 cá thể voi con.

Đề án được chia thành 6 nội dung chính: Bảo tồn voi tại 3 tỉnh Dak Lak, Nghệ An và Đồng Nai; bảo tồn tại chỗ những quần thể voi có số lượng đàn ít; di chuyển, tái nhập đàn tới vùng sinh cảnh mới đảm bảo cho voi phát triển ổn định; nghiên cứu vấn đề sinh sản cho voi nhà nhằm bảo tồn và phát triển số voi nhà hiện có tại Dak Lak; thiết kế, in ấn tài liệu tuyên truyền về bảo tồn voi nhằm nâng cao nhận thức, ý thức bảo tồn voi của cộng đồng thôn, buôn sống gần khu vực voi phân bố, nằm trong quy hoạch dự án bảo tồn voi; đồng thời, tăng cường hợp tác liên biên giới về bảo tồn voi, trao đổi kinh nghiệm nghiệp vụ, quản lý bảo tồn voi.

Đề án cũng nêu lên việc tăng cường hợp tác quốc tế nhằm thu hút các nguồn tài trợ, giúp đỡ về tài chính, kỹ thuật trong bảo tồn voi; xây dựng bản thỏa thuận song phương và đa phương với các nước láng giếng nhằm kiểm soát việc buôn bán voi qua biên giới.

Về cơ chế đầu tư, Trung ương cấp ngân sách để thực hiện các nội dung bảo tồn voi tại 3 tỉnh: Dak Lak, Nghệ An, Đồng Nai; dự án bảo tồn tại chỗ những quần thể voi có số lượng đàn ít; dự án di chuyển, tái nhập đàn và dự án nghiên cứu, giải quyết vấn đề sinh sản cho voi nhà. Trong khi đó, địa phương thực hiện đầu tư cho các hoạt động tuyên truyền, điều tra giám sát quần thể voi, nghiên cứu khoa học và hợp tác quốc tế bảo tồn voi.

Về kinh phí, tổng nhu cầu vốn cho giai đoạn 2012–2020 dự kiến là 257,45 tỷ đồng; trong đó ngân sách Trung ương là 214,91 tỷ đồng, ngân sách địa phương là 33,8 tỷ đồng và huy động nguồn vốn khác là 8,6 tỷ đồng.

Hà Thương


Ý kiến bạn đọc