Multimedia Đọc Báo in

Tổng kết công tác phục hồi chức năng dựa vào cộng đồng giai đoạn 1998-2012:

70% Người khuyết tật trong vùng dự án có nhu cầu hỗ trợ được tham gia vào chương trình

14:36, 15/01/2013

Sáng 15-1, UBND tỉnh tổ chức Hội nghị tổng kết công tác phục hồi chức năng dựa vào cộng đồng giai đoạn 1998-2012 và định hướng đến năm 2020. Tham dự Hội nghị có đại diện lãnh đạo các sở, ban, ngành, đoàn thể hữu quan, các đơn vị trực thuộc sở Y tế và các câu lạc bộ khuyết tật của 5 huyện trong vùng dự án: Lak, Krông Bông, Krông Pak, Cư M’gar, TP. Buôn Ma Thuột.

Với mục tiêu nâng cao sức khỏe và chất lượng cuộc sống cho người khuyết tật (NKT), giúp NKT xóa bỏ mặc cảm, tự tin vươn lên hòa nhập cộng đồng, sau 15 năm triển khai thực hiện Dự án phục hồi chức năng dựa vào cộng đồng đã thu được những kết quả to lớn và có ý nghĩa xã hội sâu sắc. Hệ thống quản lý hỗ trợ kỹ thuật phục hồi chức năng dựa vào cộng đồng đã được xây dựng và gắn kết chặt chẽ từ tỉnh đến xã; các cán bộ tham gia mạng lưới phát triển ngày một vững mạnh cả về số lượng và chất lượng. Nhận thức của cộng đồng về khuyết tật và khả năng của NKT ngày một cải thiện tích cực. Bản thân NKT và thành viên trong gia đình NKT bước đầu đã nhận thức được vai trò quan trọng của họ trong việc trực tiếp và chủ động tham gia các hoạt động hỗ trợ NKT. 70% NKT trong vùng dự án có nhu cầu hỗ trợ được tham gia vào chương trình và được hướng dẫn tập luyện phục hồi chức năng tại nhà. Qua đó, tỷ lệ NKT tham gia chương trình nâng lên và đã hòa nhập cộng đồng ở người lớn đạt 32%, trẻ em là 27%. Đặc biệt, một số xã đã hình thành câu lạc bộ NKT nhằm đáp ứng một phần nhu cầu giao lưu, chia sẻ thông tin của cộng đồng NKT...

Toàn cảnh Hội nghị.
Toàn cảnh Hội nghị.

Cũng trong 15 năm qua, Dự án phục hồi chức năng dựa vào cộng đồng còn chú trọng nâng cao chất lượng điều trị tại Khoa Phục hồi chức năng, Bệnh viện Đa khoa tỉnh và Khoa Châm cứu – phục hồi chức năng, Bệnh viện Y học cổ truyền thông qua việc nâng cao trình độ, năng lực cho đội ngũ bác sĩ, kỹ thuật viên, trang bị thêm các trang thiết bị phục hồi chức năng. Nhờ vậy, từ năm 1998 đến nay đã có gần 22.000 lượt NKT được phục hồi chức năng tại 2 cơ sở này, 108 NKT được phẫu thuật, 152 NKT được lắp chân, tay giả, 528 NKT được hỗ trợ dụng cụ.

Trong giai đọan 2013-2020, Dự án sẽ tập trung thực hiện một số nhiệm vụ: tuyên truyền các chủ trương, chính sách, chương trình trợ giúp NKT để nâng cao nhận thức của người dân về vấn đề tàn tật và NKT; thành lập các tổ chức tự lực, câu lạc bộ NKT, những hiệp hội phụ huynh và gia đình của NKT để phát huy hơn nữa vai trò của NKT; tạo điều kiện cho phụ nữ khuyết tật được học tập nâng cao kiến thức, kỹ năng cần thiết và được học nghề, tạo việc làm phù hợp cải thiện đời sống; phát hiện, can thiệp sớm bảo đảm trẻ em sinh ra được mạnh khỏe, giảm thiểu mức độ khuyết tật và nâng cao chất lượng dịch vụ phục hồi chức năng cho NKT dựa vào cộng đồng; hỗ trợ vốn để NKT phát triển kinh tế gia đình…

Kim Oanh
 


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.