Trung Quốc công bố nguồn gốc chủng vi rút cúm H7N9
Kết quả nghiên cứu di truyền học đảo ngược của chủng virus cúm H7N9 do Phòng thí nghiệm trọng điểm nguồn vi sinh học và miễn dịch học Viện Hàn lâm Khoa học Trung Quốc công bố mới đây cho thấy, gen chủng vi rút cúm H7N9 đến từ sự kết hợp gen giữa chim hoang dã Đông Á với gà nuôi tại thành phố Thượng Hải, tỉnh Chiết Giang và tỉnh Giang Tô của Trung Quốc.
Thêm vào đó, đột biến gen của bản thân vi rút này có thể là nguyên nhân khiến chủng vi rút H7N9 lây sang người và dẫn tới tỷ lệ tử vong cao. Khu vực châu thổ sông Trường Giang (Trung Quốc) có thể là nơi phát sinh ra nguồn gen kết hợp trên. Chủng vi rút mới có thể là kết quả từ sự kết hợp gen giữa chim hoang dã di chuyển từ châu Âu sang châu Á với gen chủng vi rút cúm gà và vịt khu vực châu thổ sông Trường Giang. Nghiên cứu của phòng thí nghiệm trên cho thấy các đoạn gene H7 và N9 trong vi rút H7N9 giống với mẫu vi rút cúm gia cầm trong những con chim hoang dã đến từ Đông Á, trong khi sáu đoạn gene khác có nguồn gốc từ gà tại Thượng Hải, Chiết Giang và Giang Tô.
Liên quan đến câu hỏi tại sao vi rút H7N9 ít gây hại cho động vật hơn cho con người, các nhà nghiên cứu cho biết đó là vì sự biến đổi của vi rút. Hiện họ đang theo dõi sự biến đổi của gene N9.
Tổ chức Bảo vệ Thiên nhiên hoang dã Trung Quốc cho biết, các chuyên gia và các nhà khoa học về động vật đã tăng cường theo dõi đường di cư của chim hoang dã nhằm ngăn chặn vi rút H7N9 lây lan.
K.O (nguồn SK&ĐS)
Ý kiến bạn đọc