Thủ tướng phê duyệt đề án bảo tồn voi
Thủ tướng Chính phủ vừa phê duyệt Đề án “Tổng thể bảo tồn voi Việt Nam giai đoạn 2013 – 2020” với mục tiêu bảo tồn, phát triển bền vững những quần thể voi hoang dã và voi nhà hiện có ở Việt Nam.
Voi chở khách du lịch thăm quan Hồ Lak. Ảnh minh họa |
Theo Đề án, để bảo tồn voi hoang dã trong tự nhiên, cần xây dựng và tổ chức thực hiện các dự án bảo tồn quần thể voi hoang dã tại 3 tỉnh: Nghệ An, Dak Lak và Đồng Nai.
Bên cạnh đó, tăng cường năng lực thực thi pháp luật, bảo vệ rừng, bảo vệ động vật hoang dã, ngăn chặn tình trạng săn bắn, giết hại voi và các loài động vật nguy cấp, quý hiếm theo quy định hiện hành.
Đồng thời, tổ chức phòng ngừa, ngăn chặn tình trạng xâm hại voi; nâng cao kỹ năng phòng, chống xung đột voi/người; ngăn chặn tình trạng xâm canh, xâm cư trong khu vực được quy hoạch bảo tồn voi.
Cùng với đó là thực hiện các dự án điều tra khảo sát, đánh giá thực trạng bảo tồn voi hiện có và khu vực phân bố của những quần thể voi có số lượng cá thể ít, cơ cấu đàn nhỏ lẻ đang bị cô lập, có nguy cơ bị đe dọa trong tự nhiên; tổ chức các biện pháp bảo tồn tại chỗ để phát triển bền vững.
Với voi nhà, nghiên cứu khả năng sinh sản cho voi nhà nhằm bảo tồn và phát triển số voi nhà hiện nay trên cả nước; phát triển Trung tâm voi tỉnh Dak Lak để tư vấn chăm sóc sức khỏe, sinh sản và chữa bệnh cho voi; nghiên cứu, đề xuất biện pháp thuần dưỡng một số cá thể voi đơn lẻ trong dự án di chuyển tái nhập đàn, để xúc tiến sinh sản nhằm phát triển ổn định đàn voi nhà.
Cũng để bảo tồn voi Việt Nam, Đề án sẽ tăng cường kiểm soát hoạt động buôn bán ngà voi và các sản phẩm của voi trong nội địa; hoạt động nhập khẩu, xuất khẩu và quá cảnh các mẫu vật ngà voi, tập trung vào các cảng biển, cảng hàng không và một số khu vực cửa khẩu quốc tế quan trọng.
Cùng với đó là tăng cường phối hợp liên ngành, chia sẻ thông tin giữa các cơ quan thực thi pháp luật trong đấu tranh, xử lý các hành vi giết voi, buôn bán trái phép ngà voi và các bộ phận của voi.
Xây dựng và thực hiện các phương án khoanh vùng bảo vệ voi, bảo vệ môi trường sống và hành lang di chuyển của voi trong tự nhiên, gắn công tác bảo tồn voi với nhiệm vụ của các Ban quản lý Khu rừng đặc dụng nơi có voi sinh sống.
Tập huấn, giáo dục nâng cao ý thức, nhận thức bảo vệ rừng, bảo vệ voi và bảo tồn sinh học, nâng cao kỹ năng phòng chống xung đột voi/người, bảo vệ tài sản và hoa màu của người dân địa phương.
Theo thông tin Tổng cục Lâm nghiệp, kết quả một số cuộc điều tra, khảo sát và tập hợp báo cáo của các địa phương từ năm 1995 đến nay cho thấy, trên phạm vi toàn quốc hiện chỉ còn 15 khu vực được xác định là có voi sinh sống với số lượng ước tính khoảng 75 - 130 con, phân bố chủ yếu dọc biên giới Việt - Lào và Campuchia, bao gồm các tỉnh: Sơn La, Thanh Hoá, Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Nam, Đồng Nai và các tỉnh Tây nguyên. Các đàn voi sống rất phân tán và bị xé lẻ thành nhiều nhóm, đàn nhỏ; đàn lớn nhất không quá 10 - 20 con. Điều này dễ dẫn đến nguy cơ tuyệt chủng nếu như không có những biện pháp quản lý tích cực đối với voi ở Việt Nam. |
N.X (nguồn chinhphu.vn)
Ý kiến bạn đọc