Trên 74% lao động có việc làm sau khi học nghề
Ngày 23-5, UBND tỉnh đã tổ chức Hội nghị sơ kết 3 năm (2010-2012) triển khai thực hiện Đề án “Đào tạo nghề cho lao động nông thôn theo Quyết định số 1956/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ” (Đề án 1956) dưới sự chủ trì của Phó Chủ tịch UBND tỉnh Mai Hoan Niê K’dăm. Tham dự có lãnh đạo UBND các huyện, thị, thành phố; giám đốc các trung tâm dạy nghề trên địa bàn tỉnh...
Phó Giám đốc Sở Lao động Thương binh và Xã hội Nguyễn Văn Đàn báo cáo kết quả 3 năm triển khai thực hiện Đề án 1956 |
Thực hiện Đề án 1956 của Thủ tướng Chính phủ, đến nay 184/184 xã, phường, thị trấn đã thành lập tổ công tác thực hiện đề án; các cơ sở dạy nghề xây dựng và ban hành 37 chương trình, giáo trình dạy nghề cho lao động nông thôn ở trình độ sơ cấp; in ấn 276.562 tờ rơi tuyên truyền về dạy nghề, tổ chức tập huấn nghiệp vụ về công tác dạy nghề lao động nông thôn cho 1.500 cán bộ xã, phường, thị trấn. Sau 3 năm thực hiện Đề án 1956, các trung tâm dạy nghề đã mở 199 lớp đào tạo nghề cho 6.546 người, đạt 33,3% kế hoạch với tổng kinh phí hỗ trợ trên 18 tỷ đồng; trong đó có 2.469 người học nghề nông nghiệp, 4.077 người học nghề phi nông nghiệp, tỷ lệ lao động có việc làm sau khi học nghề đạt 74,5%. Việc triển khai thí điểm dạy nghề xây dựng dân dụng, sửa chữa xe gắn máy, mây tre đan kỹ nghệ, trồng nấm đã phát huy hiệu quả. Bên cạnh đó, toàn tỉnh đã mở 17 lớp đào tạo, bồi dưỡng cho 1.113 lượt cán bộ, công chức xã về chuyên môn, nghiệp vụ và kỹ năng quản lý, điều hành công tác dạy nghề với tổng kinh phí trên 2,2 tỷ đồng. Để thực hiện hiệu quả công tác dạy nghề, Trung ương và địa phương đã hỗ trợ trên 80 tỷ đồng cho 12 cơ sở dạy nghề đầu tư cơ sở vật chất và mua sắm thiết bị.
Các đại biểu tham dự Hội nghị |
Tuy nhiên, công tác đào tạo nghề cho lao động nông thôn vẫn còn một số tồn tại, hạn chế: một bộ phận lao động nông thôn chưa nhận thức đầy đủ về tầm quan trọng của công tác dạy nghề gắn với giải quyết việc làm nên chưa tích cực tham gia học nghề; cơ sở vật chất và các thiết bị của một số trung tâm dạy nghề chưa đáp ứng yêu cầu dạy và học; đội ngũ cán bộ quản lý và giáo viên dạy nghề còn yếu và thụ động; công tác giải quyết việc làm cho lao động sau khi học nghề chưa được quan tâm đúng mức nên tỷ lệ lao động có việc làm sau đào tạo đạt thấp; nhận thức của một số cấp, ngành cũng như việc huy động nguồn lực của địa phương cho công tác dạy nghề còn hạn chế…
Tại Hội nghị, các đại biểu đã thảo luận, nêu lên những khó khăn, vướng mắc, kiến nghị nhằm triển khai hiệu quả đề án trong thời gian tới.
Phó Chủ tịch UBND tỉnh Mai Hoan Niê K'dăm phát biểu kết luận Hội nghị |
Phát biểu kết luận Hội nghị, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Mai Hoan Niê K’dăm nhấn mạnh: các cấp, ngành cần đổi mới, nâng cao hiệu quả công tác tuyên truyền về đào tạo nghề cho lao động nông thôn; xây dựng chỉ tiêu cụ thể về nghề cần đào tạo gắn với nhu cầu của người học và người sử dụng lao động; tập trung đào tào nghề cho thanh niên nông thôn, lao động nữ và nông dân trực tiếp sản xuất nông nghiệp; chú trọng đầu tư cơ sở vật chất, thiết bị cho các cơ sở dạy nghề công lập; ưu tiên bố trí nguồn ngân sách địa phương cho công tác dạy nghề...
Nguyễn Xuân
Ý kiến bạn đọc