Multimedia Đọc Báo in

Đoàn Giám sát của Hội đồng Dân tộc Quốc hội làm việc với UBND tỉnh:

Đào tạo nghề phù hợp với điều kiện của địa phương và nhu cầu thị trường lao động

18:06, 09/08/2013

Chiều 9-8, Đoàn Giám sát của Hội đồng Dân tộc Quốc hội (HĐDTQH) do Phó Chủ tịch HĐDTQH Giàng A Chu làm Trưởng đoàn đã có buổi làm việc với UBND tỉnh Dak Lak để nắm công tác đào tạo nghề cho lao động nông thôn vùng đồng bào dân tộc thiểu số từ năm 2010 đến tháng 6-2013.

Tiếp và làm việc với đoàn có Phó Chủ tịch UBND tỉnh Mai Hoan Niê K'Dăm, đại diện lãnh đạo các sở, ngành của tỉnh.

1
Quang cảnh buổi làm việc

Từ năm 2010 đến tháng 6-2013, các sở, ngành và UBND các huyện, thị xã, các cơ sở dạy nghề đã tổ chức 296 lớp đào tạo nghề cho 9.941 lao động nông thôn, trong đó các đối tượng nhóm 1 (chính sách có công, hộ nghèo, dân tộc thiểu số, người khuyết tật, người bị thu hồi đất canh tác) chiếm 82%. Số lao động có việc làm sau đào tạo là 7.409 người, đạt 74,5%. Tổng nguồn kinh phí được hỗ trợ trực tiếp hơn 28,2 tỷ đồng, trong đó, ngân sách trung ương trên 24,5 tỷ đồng, còn lại là ngân sách địa phương. Tỉnh đã ban hành danh mục nghề đào tạo lĩnh vực nông nghiệp, phi nông nghiệp và chi phí đào tạo nghề sơ cấp cho 37 nghề, với mức hỗ trợ từ 1,1 - 3 triệu đồng/người/nghề; tổ chức 99 đoàn kiểm tra, giám sát Đề án 1956; chỉ đạo xây dựng các mô hình dạy nghề…

2
Phó Chủ tịch UBND tỉnh Mai Hoan Niê KDăm nêu những khó khăn, kiến nghị trong triển khai Đề án 1956 tại tỉnh

UBND tỉnh cũng thẳng thắn nhìn nhận những khó khăn, hạn chế trong quá trình triển khai thực hiện Đề án 1956: ở một số địa phương, một số nghề đào tạo chưa phù hợp với nhu cầu, điều kiện của người học và yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội; nhiều trung tâm dạy nghề chưa phát huy hiệu quả; đội ngũ giáo viên dạy nghề ở các trung tâm dạy nghề vừa thiếu, vừa yếu và chưa năng động; dạy nghề gắn với giải quyết việc làm chưa đạt yêu cầu đề ra; ngân sách địa phương bố trí cho đào tạo nghề lao động nông thôn còn hạn hẹp; nguồn vốn cho vay giải quyết việc làm còn ít…

3
Thành viên Đoàn Giám sát đặt câu hỏi về việc khảo sát, điều tra, dự báo nhu cầu học nghề và liên kết trong đào tạo nghề

Tại buổi làm việc, đại diện các cấp, ngành của tỉnh đã giải trình, làm rõ thêm những vấn đề mà Đoàn Giám sát nêu lên: công tác tư vấn, hướng nghiệp và giải quyết việc làm cho lao động sau đào tạo; hiệu quả của việc phân cấp đào tạo nghề như hiện nay; vai trò của MTTQ và các đoàn thể trong công tác tuyên truyền đào tạo nghề; mức hỗ trợ cho người học nghề; việc khảo sát, điều tra, dự báo nhu cầu học nghề và liên kết trong đào tạo nghề; công tác biên soạn giáo trình, giáo án, xác định danh mục dạy nghề theo Đề án…

Phát biểu kết luận buổi làm việc, Phó Chủ tịch HĐDTQH Giàng A Chu ghi nhận những kết quả đạt được trong việc triển khai thực hiện Đề án 1956 của tỉnh. Tuy nhiên, để đạt được mục tiêu của Đề án, Phó Chủ tịch HĐDTQH Giàng A Chu cho rằng, tỉnh cần làm tốt hơn nữa công tác quy hoạch phát triển kinh tế - xã hội gắn với quy hoạch, đào tạo nghề; đẩy mạnh tuyên truyền, tư vấn, hướng nghiệp nghề cho lao động nông thôn, nhất là người DTTS; mở rộng liên liên kết trong đào tạo và giải quyết việc làm cho lao động sau đào tạo; xác định nghề đào tạo phù hợp với điều kiện từng địa phương và nhu cầu của thị trường lao động. Đặc biệt phải có sự quan tâm, chỉ đạo, vào cuộc của cả hệ thống chính trị trong công tác tuyên truyền, vận động, triển khai thực hiện Đề án đào tạo nghề cho lao động nông thôn.

Nguyễn Xuân

 


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.