Multimedia Đọc Báo in

UBND tỉnh họp định kỳ giữa tháng 8-2014: "Nóng" lên từ đời sống dân sinh

16:59, 14/08/2014

Ngày 14-8, UBND tỉnh đã tổ chức cuộc họp định kỳ giữa tháng 8-2014 để đánh giá tình hình thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế, xã hội, đảm bảo an ninh - quốc phòng trên địa bàn.

Đại diện lãnh đạo các sở, ban, ngành và  TP. Buôn Ma Thuột tham dự cuộc họp dưới sự chủ trì của Phó Chủ tịch UBND tỉnh Trần Hiếu.
Tại cuộc họp, nhiều vấn đề “nóng” từ đời sống dân sinh được các đại biểu đặc biệt quan tâm. Trước hết là vấn đề hết sức thời sự mà báo chí đã phản ánh là có hàng trăm hộ dân ở các xã Hòa Lễ-huyện Krông Bông, Ea Hoa- huyện Buôn Đôn phải “đánh đu” qua lại trên sông Krông Na, Sêrêpôk bằng những sợi dây cáp mong manh để mưu sinh, khiến tính mạng và tài sản của họ bị đe dọa. Lãnh đạo Sở GT-VT cho rằng kinh phí để đầu tư xây dựng những cây cầu phục vụ cho người dân ở đây là rất lớn, các địa phương không thể đáp ứng được, phải chờ sự quan tâm, hỗ trợ của Trung ương mà trực tiếp là từ Cục Đường bộ Việt Nam (Bộ GT-VT). Được biết sắp tới, Cục Đường bộ sẽ tiến hành khảo sát, lập hồ sơ dự toán để giúp Dak Lak đầu tư xây dựng 9 cây cầu dân sinh trên địa bàn các huyện Buôn Đôn, Lak, Ea Kar, Krông Năng và thị xã Buôn Hồ nhằm khắc phục tình trạng trên.

Quang cảnh buổi họp
Quang cảnh buổi họp

Tại cuộc họp, lãnh đạo Sở NN-PTNT kiến nghị, đề xuất UBND tỉnh cũng như các cơ quan hữu trách tìm giải pháp tiêu thụ hàng hóa nông sản cho nông dân trồng ngô tại các vùng chuyên canh như Ea Kar, Krông Bông, Krông Buk, M' Drak… hiện không tìm được đầu ra, khiến đời sống người dân càng thêm khó khăn. Ngoài ra, báo cáo của sở này cho biết: do ảnh hưởng hoàn lưu từ cơn bão số 2 vừa qua gây ra mưa lớn trên địa bàn các huyện Ea Súp, Lak, Krông Bông đã làm cho hơn 5000 ha lúa hè thu bị ngập úng, trong đó ước khoảng 2000 ha có khả năng mất trắng, gây thiệt hại nặng nề cho nhiều nông hộ. Vì vậy, việc hỗ trợ từ phía Nhà nước để giúp bà con nông dân về giống, phân bón, vật tư để họ khắc phục và tái đầu tư cho vụ đông xuân tiếp theo là yêu cầu búc thiết hiện nay. Sở NN-PTNT cũng kiến nghị UBND tỉnh và các cơ quan chức năng cần có giải pháp, phương án vào cuộc nhằm ngăn chặn và chấn chỉnh tình trạng mua bán các loại giống cây trồng không bảo đảm chất lượng, không rõ xuất xứ nguồn gốc hiện đang trôi nổi ngoài thị trường khiến không ít hộ nông dân mua về trồng trọt lâm vào cảnh lao đao, nợ nần.
Qua báo cáo, trình bày của các sở, ban, ngành trực thuộc,  Phó Chủ tịch UBND tỉnh Trần Hiếu đã yêu cầu những người đứng đầu các cơ quan, đơn vị có trách nhiệm đôn đốc, phối hợp với nhau để có giải pháp tích cực và khả thi nhằm giải quyết những vấn đề dân sinh bức xúc trên.
 

Đ.Đối       
            
 


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.