Multimedia Đọc Báo in

Huyện M'Drak: Nguy cơ thiếu nước tưới trong vụ đông xuân

14:37, 21/01/2015
Theo báo cáo của Trạm Khai thác công trình thủy lợi huyện M’Drak, hiện nay mực nước tại các hồ chứa đang ở mức thấp, lượng mưa trung bình ít hơn so với các năm. Nguy cơ thiếu nước tưới và khô hạn có thể sẽ xảy ra trên diện rộng, ở thời kỳ giữa đến cuối vụ đông xuân.

Trạm Khai thác công trình thủy lợi huyện M’Drak hiện đang quản lý 11 công trình đập dâng và 49 hồ chứa, phục vụ tưới tiêu cho khoảng 70% diện tích cây trồng có nhu cầu tưới, trong đó phần lớn là lúa nước và cây cà phê. Từ đầu năm 2014 đến nay, lượng mưa của khu vực Tây Nguyên thiếu hụt so với mức trung bình nhiều năm, khiến lưu lượng nước tại các ao hồ, sông suối giảm. Riêng trên địa bàn huyện M’Drak, tính đến 31-12-2014, lượng mưa chỉ đạt 1.600 mm, thấp hơn khoảng 400 mm so với trung bình các năm. Hiện nay, có 6 công trình thủy lợi chưa đủ dung tích thiết kế là Ea Trái Bâu (xã Ea Trang), Ea Ktung Xây (xã Cư Mta), Ea Bôi, Ea Ktung (xã Krông Jing), công trình đập Đội 16 (xã Ea Riêng), đập Đội 4 (xã Ea H’Mlay), mực nước hồ cách ngưỡng tràn từ 0,5-1 m. Các công trình khác chỉ vừa đủ dung tích thiết kế.

Để chủ động trong việc phục vụ tưới tiêu, ngành nông nghiệp huyện M’Drak phối hợp với các địa phương tập trung rà soát năng lực tưới, triển khai công tác nạo vét kênh mương, tiết kiệm và tận dụng các nguồn nước; tích cực vận động nhân dân ngay từ đầu vụ tiến hành chuyển đổi diện tích không chủ động được nước tưới sang cây trồng phù hợp.

Được biết, đến nay, huyện M’Drak đã gieo trồng gần 2.190 ha cây trồng vụ đông xuân, đạt gần 48% kế hoạch; trong đó: lúa nước 1.434 ha, đạt 69,8%; ngô 331 ha, đạt 62%; sắn 260 ha, đạt 28%; đậu đỗ các loại 33 ha, đạt 36,7%; cây trồng khác 130 ha, đạt 38,2%.

Thu Nguyệt


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.