Nhiều lao động nông thôn có việc làm từ các mô hình dạy nghề hiệu quả
Sau 5 năm (2010-2014) thực hiện Đề án “Đào tạo nghề cho lao động nông thôn đến năm 2020”, Sở Lao động -Thương binh và Xã hội đã chỉ đạo triển khai một số mô hình dạy nghề cho lao động nông thôn mang lại hiệu quả cao, tạo được nhiều việc làm cho người lao động.
Lãnh đạo Tổng cục dạy nghề và Sở Lao động - Thương binh và Xã hội tỉnh Dak Lak thăm cơ sở sản xuất nấm của anh Thái Bảo Trung (thị trấn Phước An, huyện Krông Pak) |
Điển hình là mô hình Trồng và khai thác nấm ở Trung tâm Dạy nghề huyện Krông Ana và Trung tâm dạy nghề huyện Krông Pak; Trồng và chăm sóc cây tiêu ở Trung tâm dạy nghề huyện Cư M’gar. Đây là các mô hình đơn giản, dễ áp dụng cho các đối tượng tham gia học nghề, kinh phí đầu tư không lớn, dễ thực hiện, tạo được nhiều việc làm, quản lý tại hộ gia đình.
Mô hình sản xuất nấm mèo của hội viên phụ nữ phường Thống Nhất (thị xã Buôn Hồ) được nhiều cán bộ, hội viên tham quan học tập kinh nghiệm |
Cụ thể: mô hình Trồng và khai thác nấm có 200 người học, tỷ lệ có việc làm trên 95%, mức thu nhập bình quân 4-5 triệu đồng/tháng. Mô hình Trồng và chăm sóc cây tiêu có 95 người học, tỷ lệ có việc làm trên 90%, mức thu nhập bình quân 9-10 triệu đồng/tháng. Các mô hình trên đã góp phần cho lao động nông thôn định hướng được nghề nghiệp, áp dụng tiến bộ khoa học - kỹ thuật vào sản xuất, tăng thu nhập, cải thiện đời sống và được nhân rộng ở các huyện trên địa bàn tỉnh. Đồng thời, nông dân các tỉnh như: Gia Lai, Kon Tum, Vĩnh Long… đã đến học hỏi kinh nghiệm áp dụng vào sản xuất.
Nguyễn Xuân
Ý kiến bạn đọc