Multimedia Đọc Báo in

Hội nghị xúc tiến đầu tư và an sinh xã hội Tây Nguyên lần thứ 3-2015:

Đẩy mạnh thu hút đầu tư, tập trung khai thác và phát huy hiệu quả tiềm năng thế mạnh, phát triển hội nhập, bảo đảm an sinh xã hội

19:30, 17/05/2015

Ngày 17-5-2015, tại thành phố Đà Lạt, tỉnh Lâm Đồng, Ban Chỉ đạo Tây Nguyên, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam phối hợp với UBND tỉnh Lâm Đồng tổ chức Hội nghị xúc tiến đầu tư và an sinh xã hội Tây Nguyên lần thứ 3-2015. Đại tướng Trần Đại Quang, Ủy viên Bộ Chính trị, Bộ trưởng Bộ Công an, Trưởng Ban chỉ đạo Tây Nguyên; Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam Nguyễn Văn Bình; Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Lâm Đồng Nguyễn Xuân Tiến; Phó Trưởng ban Thường trực Ban Chỉ đạo Tây Nguyên Trần Việt Hùng đồng chủ trì Hội nghị.

Tham dự hội nghị có gần 700 đại biểu đại diện cho các Bộ, ngành Trung ương; lãnh đạo Tỉnh ủy, UBND các tỉnh Tây Nguyên; các tổ chức tín dụng, doanh nghiệp trong và ngoài nước. Đây là sự kiện xúc tiến đầu tư cấp quốc gia trọng điểm nhằm tăng cường thu hút và sử dụng có hiệu quả các nguồn vốn đầu tư trong và ngoài nước vào Tây Nguyên, trong đó chú trọng, ưu tiên lĩnh vực nông, lâm nghiệp, công nghiệp chế biến, du lịch, năng lượng và khai thác khoáng sản... ; tạo cơ hội để các tổ chức, cơ quan quản lý Nhà nước, nhà đầu tư, doanh nghiệp trong và ngoài nước trực tiếp gặp gỡ, trao đổi hợp tác đầu tư kinh doanh.

Các đại biểu tham dự hội nghị
Các đại biểu tham dự hội nghị

Theo đánh giá tại hội nghị, trong những năm qua, vốn đầu tư xã hội toàn vùng tăng nhanh, hệ thống kết cấu hạ tầng giao thông, thủy lợi, y tế, giáo dục… luôn được chú trọng đầu tư đồng bộ, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm an ninh - quốc phòng, đời sống của người dân không ngừng được cải thiện. Mạng lưới giao thông Tây Nguyên đã phân bổ tương đối hợp lý, tạo nhiều thuận lợi trong giao thương giữa các tỉnh trong vùng, giữa vùng Tây Nguyên với các tỉnh duyên hải Nam Trung bộ, Nam bộ, các cửa khẩu quốc tế Lào – Campuchia và các cảng biển quan trọng khác. Tổng số vốn đã bố trí và huy động cho các dự án cải tạo, nâng cấp các tuyến quốc lộ khu vực Tây Nguyên giai đoạn 2011-2015 trên 30.000 tỷ đồng. Về thu hút đầu tư, tính đến 31-12-2014, đã có 148 dự án FDI đầu tư vào Tây Nguyên, với tổng số vốn đăng ký 819 triệu USD. Riêng từ năm 2011 đến 30-4-2015, có 38 dự án, với tổng vốn đăng ký 122 triệu USD. Hiện có 10 quốc gia và vùng lãnh thổ đầu tư tại khu vực này như: Hàn Quốc, Hà Lan,  Hồng Kông…

Đầu tư nước ngoài đã góp phần thúc đẩy chuyển dịch cơ cấu kính tế của vùng theo hướng phù hợp với yêu cầu đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa; nâng cao năng lực sản xuất, tăng sức cạnh tranh cho doanh nghiệp… Về chính sách tín dụng ngân hàng, đến 31-12-2014, tổng nguồn vốn huy động trên địa bàn 5 tỉnh Tây Nguyên đạt 84.743 tỷ đồng, cao hơn mức tăng trưởng chung của cả nước 17,6%; tổng dư nợ tín dụng đạt 145.479 tỷ đồng. Bên cạnh đó, Ngân hàng Nhà nước đã dành 12.000-15.000 tỷ đồng  cho tái canh cây cà phê giai đoạn 2015-2020. Từ năm 2008 - 2013, hệ thống ngân hàng cũng đã tài trợ 423 tỷ đồng, tập trung cho các huyện nghèo, vùng đặc biệt khó khăn nhằm cải thiện đời sống, góp phần bảo đảm an sinh xã hội ở Tây Nguyên.

Đại tướng
Đại tướng Trần Đại Quang, Ủy viên Bộ Chính trị, Bộ trưởng Bộ Công an, Trưởng Ban Chỉ đạo Tây Nguyên phát biểu tại hội nghị

Phát biểu bế mạc Hội nghị, Đại tướng Trần Đại Quang nhấn mạnh: Trong những năm qua, kinh tế -xã hội của các tỉnh Tây Nguyên đã đạt những thành tựu to lớn, toàn diện với thu hút đầu tư toàn xã hội đạt 65.782 tỷ đồng, tạo điều kiện cho 34.000 hộ thoát nghèo, giảm tỷ lệ hộ nghèo chung của toàn khu vực xuống còn 10,12% (năm 2014). Mặc dù có lợi thế là vùng sản xuất nhiều loại nông sản hàng hoá với sản lượng lớn (cao su, cà phê, tiêu, dược liệu, nguyên liệu giấy, chè...), trong đó cà phê là một trong những mặt hàng nông sản xuất khẩu chủ lực của cả nước, nhưng việc thu hút đầu tư ở khu vực này còn gặp nhiều khó khăn, chưa tương xứng với tiềm năng. Các tỉnh Tây Nguyên có nhiều nỗ lực trong cải cách hành chính và xúc tiến, kêu gọi đầu tư nhưng kết quả vẫn còn hạn chế, nên so với mặt bằng chung của cả nước, Tây Nguyên vẫn là một trong những khu vực chậm phát triển. Để Tây Nguyên phát triển nhanh, đồng bộ, ngang bằng với các khu vực trong nước, giai đoạn 2015-2020, các tỉnh cần tập trung, khuyến khích và sử dụng có hiệu quả các nguồn vốn đầu tư  trong và ngoài nước vào các lĩnh vực: phát triển hạ tầng giao thông, thủy lợi, khu kinh tế, công nghiệp; ưu tiên đầu tư phát triển công nghiệp chế biến, trong đó chú trọng các loại nông sản đặc thù, có giá trị xuất khẩu cao: cà phê, cao su…; đầu tư phát triển khu kinh tế cửa khẩu biên giới với Lào, Campuchia, tăng cường hơn nữa sự hợp tác kinh tế đối ngoại; đẩy mạnh phát triển du lịch dựa trên lợi thế tiềm năng với những sản phẩm du lịch đặc thù…

Đồng chí Y' Dhăm Ênuôl Phó chủ tịch UBND tỉnh Dak Lak trao chứng nhận đầu tư cho các doanh nghiệp Dak Lak
Đồng chí Y Dhăm Ênuôl, Phó chủ tịch UBND tỉnh Dak Lak trao chứng nhận đầu tư cho các doanh nghiệp Dak Lak

 

Đại diện các ngân hàng thương mại, nhà đầu tư ký cam kết đầu tư
Đại diện các ngân hàng thương mại, nhà đầu tư ký cam kết đầu tư

Tại Hội nghị xúc tiến đầu tư Tây Nguyên lần này, đã có 13 dự án được trao giấy phép đầu tư, với số vốn khoảng 16.600 tỷ đồng; 15 dự án được ngân hàng ký kết với tổng số tiền 13.000 tỷ đồng.

                                                                                                                                       Lê Hương

 


Ý kiến bạn đọc