Multimedia Đọc Báo in

Địa điểm lưu niệm các chiến sĩ Nam tiến tại TP. Buôn Ma Thuột được xếp hạng di tích cấp Quốc gia

10:29, 02/06/2015

Địa điểm lưu niệm các chiến sĩ Nam tiến tại TP. Buôn Ma Thuột vừa được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch xếp hạng là Di tích lịch sử quốc gia theo Quyết định số 1350/QĐ-BVHTTDL ngày 24-4-2015.

Địa điểm lưu niệm các chiến sĩ Nam tiến nằm trong khuôn viên của hoa viên Tượng đài Bác Hồ với thiếu nhi các dân tộc Dak Lak (số 5 Lê Duẩn, phường Tự An, TP. Buôn Ma Thuột), là địa điểm ghi dấu  sự kiện lịch sử có ý nghĩa to lớn. Tại đây đã diễn ra cuộc chiến đấu anh dũng giữa các chiến sĩ Nam tiến cùng quân dân Dak Lak với quân Pháp xâm lược vào ngày 1-12-1945 (nhằm ngày 27-10 năm Ất Dậu). Mặc dù bất ngờ song bằng mọi phương tiện, vũ khí có trong tay, quân dân ta đã ngoan cường chặn địch trên các ngả đường, tuyến phố, cố gắng làm chậm bước tiến của giặc. Nhiều chiến sĩ dân quân, tự vệ, cảnh sát và đồng bào đã hy sinh tại Cổng số 1, trước trụ sở UBND cách mạng tỉnh, Ngã Sáu, làng Lạc Giao… Hơn 100 chiến sĩ Nam tiến của chi đội Vi Dân đã hy sinh tại đồn Bảo An binh (về sau là Khu Thông tin triển lãm của tỉnh, nay là số 5 đường Lê Duẩn). Nhân dân làng Lạc Giao chứng kiến những tấm gương hy sinh anh dũng của các chiến sĩ đã lấy ngày 27-10 Âm lịch hằng năm làm ngày giỗ các chiến sĩ trận vong và đồng bào tử nạn. Đài tưởng niệm các chiến sĩ Nam tiến được xây dựng ngay tại địa điểm mà các chiến sĩ đã hy sinh nhằm thể hiện tấm lòng tri ân của người dân Dak Lak đối với những người con ưu tú của Tổ quốc.

Việc Địa điểm lưu niệm các chiến sĩ Nam tiến Buôn Ma Thuột được xếp hạng là di tích lịch sử cấp quốc gia đã nâng tổng số di tích được công nhận, xếp hạng ở tỉnh ta lên 23 di tích, trong đó có 7 di tích cấp tỉnh, 15 di tích quốc gia và 1 di tích quốc gia đặc biệt.

Minh Khoa


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.