Hội thảo thực trạng sức khỏe các dân tộc Tây Nguyên
Ngày 1-8, Học viện Quân y phối hợp với Chương trình Tây Nguyên 3 (thuộc Viện Hàn Lâm khoa học và Công nghệ Việt Nam) và Trường Đại học Buôn Ma Thuột tổ chức Hội thảo thực trạng sức khỏe các dân tộc Tây Nguyên và giải pháp can thiệp.
Tham dự Hội thảo có các nhà khoa học đến từ Cục Quân y, Học viện Quân y, Viện Vệ sinh dịch tễ Tây Nguyên, Viện Sốt rét-ký sinh trùng-côn trùng Quy Nhơn, Đại học Y Hà Nội và Đại học Buôn Ma Thuột.
GS.TS Đặng Tuấn Đạt, Hiệu trưởng Trường Đại học Buôn Ma Thuột phát biểu chào mừng tại Hội thảo. |
Sau lời đề dẫn của GS.TS. Đặng Tuấn Đạt, Hiệu trưởng Trường Đại học Buôn Ma Thuột, các nhà khoa học đã báo cáo 9 đề tài có giá trị liên quan đến sức khỏe của các dân tộc Tây Nguyên. Những đề tài này gồm: Thực trạng bệnh truyền nhiễm tại khu vực Tây Nguyên; Kết quả bước đầu nghiên cứu huấn luyện xây dựng mô hình đội y tế cơ động quân dân y tại xã Moray (huyện Sa Thầy, Kon Tum); Nghiên cứu nhu cầu khám chữa bệnh và khả năng đáp ứng của trạm y tế một số xã các tỉnh Tây Nguyên; Một số đặc điểm dịch tễ sốt rét miền Trung Tây Nguyên và giải pháp kết hợp quân dân y phòng chống bệnh; Thực trạng bệnh sốt xuất huyết Dengue ở Tây Nguyên (2005-2014), hiệu quả mô hình can thiệp dựa vào cộng đồng; Nghiên cứu thực trạng vệ sinh nguồn nước, nhà tiêu hộ gia đình một số xã địa bàn Tây Nguyên; Một số chỉ số sức khỏe cơ bản địa bàn Tây Nguyên; Kiến thức chăm sóc sức khỏe sinh sản của bà mẹ, ông bố đang nuôi con dưới 3 tuổi và phụ nữ mang thai 3 tháng cuối tại Tây Nguyên; Một số chỉ số hình thái thể lực và sinh lý của người trưởng thành địa bàn Tây Nguyên.
Các nhà khoa học và đại biểu tham dự Hội thảo |
Sau phần báo cáo đề tài, các nhà khoa đã trao đổi, thảo luận và phản biện cụ thể đối với từng đề tài.
Phần báo cáo Đề tài Thực trạng bệnh truyền nhiễm tại khu vực Tây Nguyên của GS.TS. Đặng Tuấn Đạt tại Hội Thảo |
Được biết, những năm qua, mặc dù các tỉnh Tây Nguyên đã đạt được nhiều thành tích trong xây dựng mạng lưới y tế cơ sở, khống chế các dịch bệnh nhiễm trùng truyền nhiễm và chất lượng khám chữa bệnh từng bước được nâng cao, song nhiều chỉ số y tế khác còn chậm hơn so với một số vùng khác và mức chung của cả nước. Do đó, việc nghiên cứu một cách toàn diện về thực trạng sức khỏe và các giải pháp nâng cao sức khỏe cộng đồng các dân tộc Tây Nguyên đóng vai trò quan trọng, tạo cơ sở để các nhà khoa học, nhà quản lý đề xuất đưa ra các giải pháp và hoàn thiện chính sách chăm sóc bảo vệ sức khỏe đồng bào dân tộc Tây Nguyên. Đồng thời, từ những kết quả khoa học được trình bày tại Hội thảo cũng gợi mở hướng nghiên cứu mới trong tương lai về vấn đề chăm sóc sức khỏe đồng bào các dân tộc Tây Nguyên.
Kim Oanh
Ý kiến bạn đọc