Multimedia Đọc Báo in

Phát động phong trào hiến tặng mô, tạng "Khi sự sống được sẻ chia"

17:08, 28/10/2015

Bộ Y tế vừa phối hợp với Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam phát động phong trào đăng ký hiến tặng mô, tạng “Khi sự sống được sẻ chia” trên cả nước.

Sau 20 năm (kể từ khi nước ta thực hiện ca ghép tạng đầu tiên), đến nay bằng sự nỗ lực không ngừng của nhiều thế hệ y bác sĩ, các nhà khoa học, của cả hệ thống y tế và sự chung tay góp sức của cộng đồng xã hội, ngành ghép tạng Việt Nam đã có những bước tiến dài, có trang thiết bị hiện đại, trình độ chuyên môn kỹ thuật tương đương khu vực và thế giới. Bên cạnh đó, nhờ sự cho đi không vụ lợi một phần cơ thể mình của những người hiến tạng mà đã có hàng ngàn cuộc đời được tái sinh, được tiếp tục sống và cống hiến. Đặc biệt hơn, sự hiến tặng một hay nhiều bộ phận cơ thể của những người không may qua đời đã giúp cho các bác sĩ có thể cứu sống nhiều người bệnh cùng một lúc.

Theo Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến, mặc dù ngành Y tế, các tổ chức nhà nước, các đoàn thể xã hội và cả cộng đồng đã rất cố gắng nhưng hiện nay ở nước ta vẫn còn hàng chục nghìn người đang hàng ngày, hàng giờ phải chiến đấu để giành giật sự sống với căn bệnh suy tạng và rất ít người trong số họ có cơ may được ghép tạng vì số người hiến tạng hết sức khan hiếm. Rất nhiều bệnh nhân đã phải chết trong lúc chờ đợi nguồn tạng để được ghép. Vì vậy, Bộ trưởng kêu gọi toàn thể cán bộ, công chức, viên chức ngành y tế; các tầng lớp, giới chức xã hội, các tổ chức, cá nhân trong cả nước hãy hưởng ứng và tham gia đăng ký hiến tặng mô, tạng sau khi chết, chết não để giúp cứu chữa tận cùng những bệnh nhân suy mô, tạng đang mỏi mòn chờ được trao tặng sự sống.

Các bác sĩ Bệnh viện Đa khoa tỉnh Đắk Lắk thực hiện một ca phẫu thuật tim.
Ảnh minh họa

Số liệu thống kê của Trung tâm Điều phối quốc gia về ghép bộ phận cơ thể người (Bộ Y tế) cho thấy, tính đến hết ngày 30-9-2015, số lượng các ca ghép mô, tạng ở Việt Nam mới chỉ dừng lại ở các con số khiêm tốn như: ghép thận (1.116 ca), ghép gan (48 ca), ghép tim (13 ca), ghép thận - tụy (1 ca), ghép giác mạc (1.401 ca). Trong khi đó, nhu cầu người chờ ghép lại ở mức rất cao. Cả nước có khoảng 6.000 người bị suy thận mạn tính cần được ghép. Tại một số bệnh viện lớn ở Hà Nội đã có trên 1.500 người có chỉ định ghép gan và khoảng 300.000 người mù do các bệnh lý giác mạc; trong đó có trên 6.000 người đang chờ được ghép giác mạc, hàng trăm người chờ được ghép tim, phổi... Như vậy sẽ có rất nhiều trường hợp suy nội tạng sẽ được cứu sống nếu như có nguồn hiến tặng thích hợp bởi vì ghép tạng là phương pháp điều trị cuối cùng và hiệu quả cho người bệnh suy tạng. Do đó, chương trình “Khi sự sống được sẻ chia” được tổ chức nhằm mục đích chuyển tải sâu rộng ý nghĩa nhân đạo, nhân văn cao cả của việc hiến tặng mô, tạng cứu người như một nghĩa cử cao đẹp. Và đó cũng là lời kêu gọi đến cộng đồng xã hội tham gia đăng ký hiến tặng mô, tạng; là lời tri ân của ngành y tế đến những tấm lòng vàng đã tình nguyện hiến tặng một phần cơ thể của mình để cứu giúp những bệnh nhân suy mô, tạng giai đoạn cuối.

K.O (nguồn Báo ĐCSVN)
 


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.