Hội nghị trực tuyến rút kinh nghiệm công tác chỉ đạo ứng phó và khắc phục hậu quả mưa lũ tại các tỉnh miền Trung và Tây Nguyên
15:52, 02/12/2016
Sáng 2-12, Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống thiên tai đã tổ chức Hội nghị trực tuyến rút kinh nghiệm công tác chỉ đạo ứng phó và khắc phục hậu quả mưa lũ tại các tỉnh miền Trung và Tây Nguyên trong tháng 10 và 11-2016. Phó Thủ tướng Chính phủ Trịnh Đình Dũng chủ trì cuộc họp. Về phía điểm cầu Đắk Lắk có bà H’Yim Kđoh, Phó Chủ tịch UBND tỉnh và lãnh đạo các Sở, ngành. tỉnh.
Các đại biểu dự hội nghị tại điểm cầu Đắk Lắk. |
Theo báo cáo của Ban Chỉ đạọ Trung ương về phòng, chống thiên tai, từ giữa tháng 10 đến nay, khu vực miền Trung và Tây Nguyên đã xảy ra 4 đợt mưa lũ lớn trên diện rộng. Đáng chú ý là 2 đợt mưa lũ từ 13 đến 18-10 và từ 30-10 đến 7-11, đã làm 65 người chết và mất tích; 191.084 nhà bị ngập nước; 22.151 ha lúa bị ngập, hư hại… tổng thiệt hại ước tính gần 7.200 tỷ đồng. Về công tác khắc phục hậu quả, Chính phủ và các Bộ ngành đã xuất cấp 4.414 tấn lương thực, 400.000 viên Cloramin B, 200 cơ số thuốc hỗ trợ 4 tỉnh Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Tĩnh và Quảng Bình; trình Chính phủ hỗ trợ 305 tỷ đồng cho 14 tỉnh bị thiệt hại và 2.016 tấn lúa giống, 325 tấn ngô và 58 tấn rau.
Đợt mưa lũ đầu tháng 11-2016 làm ngập một số tuyến đường tại huyện Krông Bông. |
Tại Đắk Lắk, từ ngày 2 đến 5-11, trên địa bàn tỉnh có mưa to và rất to, tổng lượng mưa phổ biến từ 250-400 mm, đã làm 1 người chết, 1.704 nhà bị ngập, 71 con gia súc, 30.000 con gia cầm bị trôi, chết; một số công trình giao thông bị hư hỏng… Tổng thiệt hại ước tính gần 698,3 tỷ đồng.
Kết luận tại hội nghị, Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng đánh giá, bên cạnh những kết quả đã đạt được, qua 2 đợt mưa lũ lớn vừa qua công tác ứng phó cũng bộc lộ một số hạn chế. Công tác dự báo chưa theo kịp yêu cầu; việc vận hành điều tiết xả lũ của các hồ chứa vẫn còn bất cập, gây khó khăn cho công tác ứng phó ở hạ du. Thời gian tới, Phó Thủ tướng đề nghị, trước mắt các địa phương tiếp tục tập trung khắc phục hậu quả mưa lũ, nhất là kiểm soát vệ sinh môi trường, phòng, chống dịch bệnh trên người, vật nuôi; huy động các nguồn lực khôi phục công trình thiết yếu, hỗ trợ nhân dân khôi phục sản xuất sớm ổn định đời sống. Về lâu dài, tiếp tục làm tốt công tác tuyên truyền để người dân chủ động ứng phó với thiên tai nhằm hạn chế thấp nhất thiệt hại về người, tài sản; nâng cao năng lực, nhận thức cho cán bộ làm công tác phòng chống thiên tai; sớm có nghiên cứu, đánh giá thực trạng rừng đầu nguồn; hạn chế việc đầu tư xây dựng các công trình cơ sở, hạ tầng ảnh hưởng đến diện tích rừng phòng hộ…
Hoàng Tuyết
Ý kiến bạn đọc