Multimedia Đọc Báo in

Ngành Y tế triển khai các biện pháp khẩn cấp phòng chống bệnh uốn ván sơ sinh

17:24, 24/02/2017

Sau khi liên tục ghi nhận các ca bệnh uốn ván sơ sinh trên địa bàn tỉnh, ngành Y tế đã triển khai các biện pháp khẩn cấp trong công tác phòng chống bệnh uốn ván sơ sinh trên địa bàn .

Theo báo cáo của Sở Y tế, tình hình uốn ván sơ sinh trên địa bàn tỉnh hiện đang ở mức báo động. Trong năm 2016, toàn tỉnh không xảy ra trường hợp nào mắc uốn ván sơ sinh nhưng chỉ trong hai tháng đầu năm 2017 đã có 4 trường hợp sơ sinh mắc bệnh uốn ván tại xã Cư Êbua (TP. Buôn Ma Thuột), xã Yang Réh (huyện Krông Bông), thị trấn Buôn Trấp (huyện Krông Ana) và xã Ea Bhốk (huyện Cư Kuin). Trong đó, hai trường hợp ở xã Cư Êbua và Yang Réh đã tử vong.  Nguyên nhân các trường hợp mắc uốn ván được xác định là do bà mẹ khi mang thai không tiêm phòng uốn ván hoặc tiêm nhưng không đầy đủ, khi chuyển dạ sinh con tại nhà do mụ vườn đỡ, các dụng cụ cắt rốn không đảm bảo vô khuẩn, quá trình chăm sóc sau khi sinh không đảm bảo…       

Trước tình hình này, Sở Y tế yêu cầu các đơn vị y tế và Trung tâm Y tế các huyện, thị xã, thành phố triển khai các biện pháp khẩn cấp trong công tác phòng chống bệnh uốn ván sơ sinh trên địa bàn, gồm: tổ chức rà soát, báo cáo thực tế về các đối tượng tiêm chủng là phụ nữ có thai và phụ nữ trong độ tuổi sinh đẻ từ 15 đến 35 tuổi; thực hiện tốt việc quản lý thai nghén tại trạm y tế; đẩy mạnh công tác truyền thông tại tuyến cơ sở về làm mẹ an toàn, sinh đẻ tại cơ sở y tế, tiêm chủng phòng chống bệnh uốn ván sơ sinh… đặc biệt là ở vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số, tập trung vào các đối tượng phụ nữ đang mang thai và phụ nữ trong độ tuổi sinh đẻ. Bên cạnh đó, các đơn vị y tế cũng đẩy mạnh tuyên truyền sâu rộng về gói đẻ sạch, các biện pháp khử trùng dụng cụ cắt rốn khi có trường hợp đẻ tại nhà… ở vùng nông thôn, vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số để giảm thiểu hoặc loại trừ bệnh uốn ván sơ sinh trong thời gian tới.

Kim Oanh
 


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.