14:52, 04/11/2017
Do ảnh hưởng của cơn bão số 12, một số địa phương trên địa bàn tỉnh bị ảnh hưởng nặng nề, nhiều nhà dân bị tốc mái, sập, hàng trăm héc-ta cây trồng bị đổ ngã, một số tuyến đường giao thông bị chia cắt.
|
Đường giao thông tại xã Cư Prông (huyện Ea Kar) bị ngập, gây chia cắt. |
Thông tin từ Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn (PCTT và TKCN) tỉnh cho biết, do ảnh hưởng của bão số 12, từ ngày 1 đến 4-11-2017, trên địa bàn tỉnh có mưa diện rộng. Các huyện khu vực phía Đông, Đông Nam và phía Nam tỉnh có mưa to đến rất to, tổng lượng mưa từ 1 giờ đến 7 giờ sáng 4-11 phổ biến từ 100-150 mm, riêng tại xã Cư Prao (huyện M’Đrắk) lượng mưa đạt 328 mm; các vùng khác còn lại lượng mưa khoảng 50 mm. Về ảnh hưởng của gió bão, các huyện phía Đông, Đông Bắc, Đông Nam có gió mạnh cấp 6 đến cấp 8, có nới gió giật cấp 9 đến cấp 10.
|
Một tuyến đường tại huyện M'Đrắk bị ngập. |
Còn theo dự báo của Trung tâm Khí tượng thủy văn Trung ương và Đài Khí tượng thủy văn Đắk Lắk, mưa lớn sẽ tiếp tục kéo dài tại các huyện: M’Đrắk, Ea Kar, Krông Bông, Krông Pắc, Krông Năng, Ea H’leo…, với lượng mưa phổ biến từ 200-300 mm, có nơi trên 300 mm.
Tại huyện M’Đrắk, hàng trăm hộ dân đang bị nước lũ cô lập ở xã Krông Jin, xã Cư K’róa, đặc biệt, có khoảng 100 hộ dân có nguy cơ bị ngập tại buôn Luếch, xã Krông Jin địa phương đã tổ chức di dời đến nơi an toàn; hiện nay một số sông suối trên địa bàn bị chia cắt do nước dâng cao, một số nhà dân, trường học bị hư hỏng.
|
Ngầm tràn trên tỉnh lộ 13 đoạn qua huyện M'Đrắk bị cuốn trôi. |
Theo ghi nhận của chúng tôi, tại huyện Krông Pắc, mưa to kèm theo gió giật mạnh, làm cho hàng trăm ha cây trồng vụ mùa bị thiệt hại, nhiều cây xanh trên Quốc lộ 26 bị gãy đổ, làm hư hỏng nhiều nhà cửa. Tại huyện Ea Kar, ông Hồ Tấn Cư, Trưởng Phòng NN-PTNT huyện cho biết, từ 3 giờ sáng ngày 4-11, lượng mưa trên địa bàn huyện rất lớn, đến 12 giờ trưa cùng ngày, lượng mưa đo được khoảng 100 mm, gió giật cấp 9 đến cấp 10. Hiện 14/16 xã phải cúp điện để bảo đảm an toàn do nhiều trụ điện bị đổ, hư hỏng; 43 nhà dân bị tốc mái; 2 hộ phải sơ tán do nhà có nguy cơ bị sập; thôn 11 xã Cư Yang có 23 hộ dân bị cô lập do đường vào thôn bị chia cắt (cống qua đường bị cuốn trôi); 600 ha cây trồng các loại bị đổ gãy. Trong đó, riêng xã Cư Prông, tính đến 12 giờ 30, ngày 4-11, gió lớn đã làm khoảng 200 ha hoa màu bị hư hại, nhiều cây công nghiệp bị gãy đổ và 14 nhà dân bị tốc mái hoàn toàn.
|
Cây xanh trên Quốc lộ 26 đoạn qua xã Hoà An (huyện Krông Pắc) bị gãy đổ. |
Theo thống kê sơ bộ của Ban Chỉ huy PCTT và TKCN tỉnh, tính đến 10 giờ 30 ngày 4-11, ngoài các địa phương nêu trên, một số huyện khác cũng bị ảnh hưởng nặng do bão số 12. Tại huyện Krông Năng, có 4 nhà dân bị tốc mái; 1 nhà bị sập và một số diện tích cao su bị đổ gãy. Còn tại huyện Krông Bông, lượng mưa lớn kèm theo gió mạnh tập trung ở các xã Yang Mao, Cư Đrăm làm tốc mái nhà dân, một số cột điện bị đổ, nghiêng không bảo đảm an toàn nên ngành điện cắt điện khu vực này.
|
Ngành điện cắt tỉa cây xanh trên Quốc lộ 26 đoạn qua thị trấn Phước An (huyện Krông Pắc) để bảo đảm an toàn lưới điện. |
Sở Giao thông Vận tải cũng cho hay, tính đến trưa 4-11, trên địa bàn tỉnh có một số công trình cầu, đường bị ảnh hưởng do bão số 12. Cụ thể, ngầm tràn liên hợp Ea H’mlay – Cư Prao (huyện M’Đrắk) bị cuốn trôi; cầu số 14 trên Quốc lộ 26 đoạn qua xã Ea Trang (huyện M’Đrắk) bị ngập sâu; cống qua đường xã Cư Yang (huyện Ea Kar) bị cuốn trôi, gây chia cắt…
|
Ban Chỉ huy PCTT và TKCN huyện Ea Kar kiểm tra tình hình bão lũ tại xã Cư Prông. |
Thực hiện Công điện số 05/CĐ-UBND, ngày 2-11-2017 của UBND tỉnh về ứng phó khẩn cấp với áp thấp nhiệt đới và mưa lũ, hiện các địa phương đã chủ động triển khai công tác phòng chống thiên tai với phương châm 4 tại chỗ. Theo đó, các địa phương đã phân công cán bộ, nhân viên trực 24/24 giờ, theo dõi chặt chẽ các bản tin dự báo thời tiết trên các phương tiện thông tin đại chúng, đồng thời cử cán bộ trực tiếp xuống các khu vực bị ảnh hưởng nặng do bão để theo dõi, nắm bắt tình hình. Qua đó, kịp thời cảnh báo đến các cấp chính quyền, người dân sẵn sàng có phương án ứng phó, nhất là ở các khu vực thấp trũng, ven sông, suối có nguy cơ xảy ra ngập lụt, sạt lở đất.
Sáng 4-11, Ban Chỉ huy PCTT và TKCN tỉnh đã tổ chức đoàn công tác xuống huyện M’Đrắk trực tiếp chỉ huy công tác ứng phó. Cùng với đó, Sở Giao thông Vận tải cũng cử đoàn đến kiểm tra tình hình sạt lở, ngập lụt tại ngầm tràn trên tỉnh lộ 13 đoạn qua huyện M’Đrắk để cảnh báo nguy hiểm cho người dân và phương tiện lưu thông qua đây, đồng thời tham mưu với UBND tỉnh phương án, giải pháp khắc phục sau khi cơn bão đi qua.
Thuận Nguyễn – Hoàng Tuyết
Ý kiến bạn đọc