Hội thảo khoa học "50 năm cuộc Tổng tiến công và nổi dậy Mậu Thân năm 1968 ở Đắk Lắk"
Sáng 19-1, tại Khách sạn Dakruco (TP. Buôn Ma Thuột), Ban Thường vụ Tỉnh ủy phối hợp với Viện Lịch sử Đảng - Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh tổ chức Hội thảo khoa học “50 năm cuộc Tổng tiến công và nổi dậy Mậu Thân năm 1968 ở Đắk Lắk”.
Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy Phạm Minh Tấn và Phó Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Ngọc Hà, Viện trưởng Viện Lịch sử Đảng - Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh đồng chủ trì Hội thảo.
Tham dự hội thảo có đại diện lãnh đạo HĐND tỉnh, các Ban của Tỉnh ủy, Văn phòng Tỉnh ủy; các đồng chí nguyên lãnh đạo tỉnh; lãnh đạo các sở, ban, ngành của tỉnh; đại diện một số đơn vị khách mời tỉnh bạn và các nhân chứng lịch sử, nhà khoa học.
Các đại biểu tham dự hội thảo. |
Hội thảo đã được nghe một số tham luận trong tổng số 25 bài tham luận do các đồng chí là lãnh đạo tỉnh, nguyên lãnh đạo qua các thời kỳ; lãnh đạo Quân khu V; Bí thư Tỉnh ủy các tỉnh: Đắk Nông, Gia Lai, Kon Tum, Lâm Đồng, Phú Yên; các nhà khoa học thuộc Viện Lịch sử Đảng, Viện Lịch sử Quân sự, Viện Sử học; các cơ quan thuộc Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh; Công an tỉnh; Thành ủy Buôn Ma Thuột và Huyện ủy Krông Bông gửi về tham gia.
Các bài tham luận đề cập toàn diện các vấn đề dưới góc nhìn khách quan, chân thực, chính xác, làm nổi bật cuộc Tổng tiến công và nổi dậy Tết Mậu Thân năm 1968 trên địa bàn các tỉnh miền Trung - Tây Nguyên nói chung, Đắk Lắk nói riêng.
Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy Phạm Minh Tấn phát biểu tại hội thảo. |
Cách đây vừa tròn 50 năm, vào Tết Mậu Thân năm 1968, quân và dân ta đã mở cuộc tổng tiến công và nổi dậy tại 4/6 thành phố, 37/46 thị xã và hàng trăm thị trấn trên toàn miền Nam; trong đó, Đắk Lắk là một trong những chiến trường trọng điểm của Tây Nguyên. Cuối năm 1967, thực hiện quyết tâm chiến lược của Trung ương, Khu ủy V và Mặt trận Tây Nguyên, Tỉnh ủy Đắk Lắk họp bàn kế hoạch, tổ chức hai Ban Chỉ huy ở cánh Nam và cánh Bắc; huy động toàn bộ lực lượng quân sự, chính trị, binh vận tấn công vào chiến trường trọng điểm là thị xã Buôn Ma Thuột, bắt đầu vào lúc 0 giờ 45 phút ngày 30-1-1968 (tức đêm Giao thừa Tết Mậu Thân năm 1968). Chỉ tỉnh riêng trong đợt tiến công và nổi dậy đợt 1, quân và dân ta đã loại khỏi vòng chiến đấu 2.000 tên địch, bắt sống 85 tên, đánh quỵ 1 tiểu đoàn và 1 đại đội, bắn cháy 13 xe M113, phá hủy 19 máy bay, 150 xe quân sự, 12 kho xăng, thu nhiều vũ khí, đạn dược của địch; đánh chiếm một số vị trí quan trọng của địch trong thị xã 3 - 5 ngày; ở nông thôn ta phá ấp chiến lược, phát động quần chúng nổi dậy giành quyền làm chủ trên 5.000 dân…
Phó Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Ngọc Hà, Viện trưởng Viện Lịch sử Đảng - Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh trình bày báo cáo đề dẫn hội thảo. |
Thắng lợi của cuộc Tổng tiến công và nổi dậy Tết Mậu Thân năm 1968 trên địa bàn tỉnh Đắk Lắk đã góp phần cùng quân và dân miền Nam đánh bại cố gắng quân sự cao nhất của đế quốc Mỹ trong chiến tranh xâm lược Việt Nam và giáng một đòn quyết định vào chiến lược “Chiến tranh cục bộ”, buộc Mỹ phải xuống thang chiến tranh, chấm dứt chiến tranh phá hoại ở miền Bắc, ngồi vào bàn đàm phán với ta tại Hội nghị Paris...
Đồng chí Ama H’Oanh (Tô Tấn Tài), nguyên Phó Bí thư Tỉnh ủy phát biểu tham luận tại hội thảo. |
Phát biểu tại hội thảo, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy Phạm Minh Tấn nhấn mạnh: Thông qua Hội thảo, cùng với độ lùi của thời gian, với tầm nhìn mới, tư liệu mới, chúng ta tập trung luận giải sâu sắc hơn nữa về sự kiện lịch sử quan trọng này, đúc kết những bài học lịch sử quý giá để tiếp tục nghiên cứu, vận dụng vào công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc hôm nay và mai sau. Đó là, khẳng định đường lối cách mạng đúng đắn và quyết tâm to lớn của toàn Đảng, toàn quân và nhân dân; tôn vinh sự hy sinh, đóng góp to lớn của cán bộ, đảng viên, chiến sĩ và nhân dân các dân tộc tỉnh Đắk Lắk trong quá trình chuẩn bị và tham gia cuộc Tổng tiến công và nổi dậy Tết Mậu Thân năm 1968; góp phần giáo dục truyền thống, củng cố niềm tin của cán bộ, đảng viên và nhân dân vào sự lãnh đạo của Đảng.
Các đại biểu và nhân chứng lịch sử, nhà khoa học chụp ảnh lưu niệm tại hội thảo. |
Đồng chí Phạm Minh Tấn Khẳng định: "Đảng bộ, chính quyền và nhân dân các dân tộc trong tỉnh sẽ luôn trân trọng và gìn giữ những thành quả mà ông cha ta bao đời nay đã dày công xây dựng; tiếp tục phấn đấu xây dựng quê hương Đắk Lắk thành trung tâm kinh tế, chính trị, văn hóa vùng Tây Nguyên...".
Thế Hùng
Ý kiến bạn đọc