Multimedia Đọc Báo in

Phát huy vai trò người có uy tín trong công tác phòng, chống tội phạm tại vùng đồng bào dân tộc thiểu số các tỉnh miền Trung và Tây Nguyên

15:55, 12/07/2018

Sáng 12-7, tại TP. Buôn Ma Thuột, Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam, Tổng cục Cảnh sát - Bộ Công an và Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh Đắk Lắk phối hợp tổ chức Chương trình tọa đàm với chủ đề: “Phát huy vai trò của già làng, trưởng bản, chức sắc các tôn giáo, người tiêu biểu (gọi chung là người có uy tín) trong công tác phòng, chống tội phạm tại vùng đồng bào dân tộc thiểu số các tỉnh miền Trung và Tây Nguyên”.

Phó Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam Trương Thị Ngọc Ánh; Đại tá Lê Văn Chương - Phó Cục trưởng Cục Tham mưu (Tổng cục Cảnh sát - Bộ Công an) và Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh Đắk Lắk Y Dec H'đơk đồng chủ trì chương trình tọa đàm. Tham dự còn có Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Tuấn Hà; đại diện các sở, ban, ngành của tỉnh Đắk Lắk, cùng các đại biểu là người có uy tín của 10 tỉnh khu vực miền Trung và Tây Nguyên.

Các đại biểu và người có uy tín tham dự chương trình tọa đàm.

Báo cáo đề dẫn của Đại tá Lê Văn Chương tại chương trình nêu rõ: Trong những năm qua, công tác phòng, chống tội phạm, ngoài nỗ lực của cả hệ thống chính trị còn có sự tham gia tích cực của các tầng lớp nhân dân. Hệ thống MTTQ Việt Nam trong cả nước phối hợp với ngành Công an và các tổ chức thành viên tích cực tuyên truyền, vận động với nhiều hình thức phong phú, góp phần nâng cao ý thức chấp hành pháp luật của các tầng lớp nhân dân, tích cực đấu tranh phòng, chống tội phạm, góp phần giữ vững an ninh chính trị và bảo đảm trật tự an toàn xã hội; MTTQ Việt Nam ở sơ sở và các tổ chức thành viên đã nỗ lực cảm hóa, giáo dục, cải tạo người phạm tội tại gia đình và cộng đồng dân cư. Ngày càng có nhiều mô hình nhân dân tự quản tham gia phòng, chống tội phạm được hình thành và phát triển rộng rãi trong cộng đồng.

Thông qua hình thức hoạt động ở cơ sở (giai đoạn 2010-2015), MTTQ Việt Nam các cấp cùng ngành Công an và tổ chức thành viên đã xây dựng, duy trì 20.000 hòm thư tố giác tội phạm; 22.040 đường dây nóng tại các khu dân cư, địa bàn trọng điểm; 650.980 “Tổ an ninh nhân dân”, “Tổ dân phòng”, “Đội xung kích phòng, chống tội phạm”, “Khu phố an toàn”, “Cổng an ninh”; 125.000 “Tổ hòa giải” ở các khu dân cư làm nòng cốt trong phong trào “Toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc"...

Đại tá Lê Văn Chương - Phó Cục trưởng Cục Tham mưu (Tổng cục Cảnh sát - Bộ Công an) báo cáo đề dẫn tại chương trình tọa đàm.

Tại Đắk Lắk, người có uy tín đã tích cực vận động nhân dân giao nộp hàng nghìn vũ khí quân dụng, súng tự chế, công cụ hỗ trợ; tham gia vận động cai nghiện ma túy tại cộng đồng cho hàng trăm đối tượng; tham gia quản lý, giúp đỡ người sau cai nghiện, đối tượng lầm lỡ trở về, đối tượng theo Fulro đã bị xử lý...

Đại diện người có uy tín của tỉnh Đắk Lắk - Đại đức Thích Minh Đăng, Trụ trì Chùa Hoa Nghiêm (huyện Cư M'gar) báo cáo tham luận tại chương trình tọa đàm.

Tại chương tọa đàm, các đại biểu đã thảo luận và nghe một số tham luận của những người có uy tín trong tham gia phòng, chống tội phạm tại vùng đồng bào dân tộc thiểu số.

IMG_1192.JPG
Phó Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam Trương Thị Ngọc Ánh phát biểu chỉ đạo tại chương trình tọa đàm.

Phát biểu chỉ đạo tại chương trình tọa đàm, Phó Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam Trương Thị Ngọc Ánh cho rằng, tình hình tội phạm xâm phạm an ninh - quốc phòng, trật tự an toàn xã hội vẫn còn diễn biến hết sức phức tạp trên nhiều lĩnh vực, trong đó có nhiều vùng đồng bào dân tộc thiểu số; việc phối hợp tuyên truyền thực hiện công tác phòng, chống tội phạm, tệ nạn xã hội vẫn còn nhiều hạn chế; tính chất, hành vi của các loại tội phạm hiện nay rất tinh vi, nghiêm trọng... Vì vậy, đồng chí mong muốn, thời gian tới, các cơ quan chức năng chủ động tuyên truyền kiến thức về quốc phòng - an ninh, bảo đảm trật tự an toàn xã hội; công tác phòng, chống tội phạm; âm mưu thủ đoạn, phương thức hoạt động của các thế lực thù địch... cho già làng, trưởng bản, chức sắc các tôn giáo để từ đó họ phổ biến rộng rãi trong cộng đồng; các địa phương cần nhân rộng, tạo sức lan tỏa cách làm hay, gương người tốt việc tốt; người có uy tín mạnh dạn tố giác, cung cấp thông tin cho cơ quan chức năng các loại tội phạm, hành vi vi phạm pháp luật, tham gia hòa giải mâu thuẫn trong quần chúng nhân dân, qua đó giúp lực lượng chức năng chủ động trong công tác đấu tranh phòng ngừa tội phạm...”.

Thế Hùng


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.