Multimedia Đọc Báo in

Phấn đấu đến năm 2020, toàn tỉnh có 61 xã đạt chuẩn nông thôn mới và tỷ lệ hộ nghèo còn dưới 5%

18:06, 29/08/2018

Sáng 29-8, UBND tỉnh tổ chức Hội nghị sơ kết 6 tháng đầu năm 2018 và đánh giá tình hình thực hiện các Chương trình mục tiêu quốc gia 3 năm (2016-2018). Chủ tịch UBND tỉnh, Trưởng Ban chỉ đạo Phạm Ngọc Nghị chủ trì hội nghị. 

Tham dự có Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy Phạm Minh Tấn; Ủy viên dự khuyết Trung ương Đảng; Phó Chủ tịch Thường trực HĐND tỉnh Trần Vĩnh Cảnh và các Phó Chủ tịch UBND tỉnh; lãnh đạo các sở, ban, ngành và 15 huyện, thị xã, thành phố.

ảnh
Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy Phạm Minh Tấn phát biểu chỉ đạo hội nghị
 
Sau 3 năm thực hiện (2016-2018), các Chương trình mục tiêu quốc gia cơ bản đạt mục tiêu theo tiến độ đề ra. Cụ thể, đối với Chương trình giảm nghèo bền vững, tổng số hộ nghèo trên địa bàn tỉnh đã giảm từ 81.592 hộ (cuối năm 2015) xuống còn 66.956 hộ, tương đương 15,37% (vào cuối năm 2017). Toàn tỉnh không còn huyện có tỷ lệ hộ nghèo trên 50%; có 4 huyện, thị xã, thành phố (Cư Kuin, Cư M’gar, thị xã Buôn Hồ, TP. Buôn Ma Thuột) có tỷ lệ hộ nghèo dưới 10%. Dự kiến đến cuối năm 2018, tỷ lệ hộ nghèo chung trên địa bàn tỉnh giảm 2,84% so với cuối năm 2017 (kế hoạch 2,5-3%), trong đó tỷ lệ hộ nghèo trong đồng bào dân tộc thiểu số giảm 4,2%, tỷ lệ hộ nghèo ở các xã đặc biệt khó khăn giảm 4,2%.
 
Đối với Chương trình xây dựng nông thôn mới (NTM), tính hết 6 tháng đầu năm 2018, toàn tỉnh có 30 xã đạt chuẩn NTM, bình quân đạt 12,98 tiêu chí/xã. Dự kiến đến hết năm 2018 có 40 xã đạt chuẩn NTM, nâng tỷ lệ xã đạt chuẩn lên 26,3%, đạt 100% kế hoạch đề ra; có 1 đơn vị cấp huyện được công nhận đạt chuẩn NTM (TP. Buôn Ma Thuột); bình quân đạt 13,2 tiêu chí/xã.
 
ảnh
Các đại biểu tham dự hội nghị
 
Tổng nguồn vốn thực hiện các Chương trình mục tiêu quốc gia giai đoạn 2016-2018 là trên 18.500 tỷ đồng. Trong đó, vốn ngân sách trên 1.800 tỷ đồng; vốn huy động gần 2.000 tỷ đồng; vốn tín dụng trên 11.000 tỷ đồng; vốn lồng ghép trên 3.700 tỷ đồng.
 
Trên cơ sở những kết quả đạt được trong giai đoạn 2016-2018, tỉnh đặt ra mục tiêu phấn đấu trong giai đoạn 2018-2020, đối với Chương trình giảm nghèo bền vững, tỷ lệ hộ nghèo hằng năm giảm 3,42%, đến cuối năm 2020 giảm còn dưới 5%. Đối với Chương trình xây dựng NTM, đến năm 2020 có 61 xã đạt chuẩn NTM, có 1-2 đơn vị cấp huyện đạt chuẩn NTM, bình quân mỗi xã đạt 14,38 tiêu chí.
 
Phát biểu chỉ đạo hội nghị, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy Phạm Minh Tấn yêu cầu UBND tỉnh tiếp tục chỉ đạo các sở, ngành, địa phương cần xác định lại những tiêu chí còn thấp để có hướng tập trung chỉ đạo cải thiện; phấn đấu giảm nghèo bền vững gắn với xây dựng NTM, trong đó giảm hộ nghèo một cách bền vững; xác định rõ trách nhiệm hoàn thành kế hoạch chương trình mục tiêu đề ra là của cả hệ thống chính trị, từ đó tập trung tuyên truyền, nhân rộng mô hình kinh tế tiêu biểu, gương điển hình tiên tiến. 
 
ảnh
Chủ tịch UBND tỉnh, Trưởng Ban chỉ đạo các Chương trình mục tiêu quốc gia của tỉnh Phạm Ngọc Nghị phát biểu tại hội nghị

Về một số nhiệm vụ trọng tâm giai đoạn tới, Chủ tịch UBND tỉnh, Trưởng Ban chỉ đạo Phạm Ngọc Nghị yêu cầu các sở, ngành tăng cường công tác tuyên truyền, đề ra giải pháp cụ thể đối với từng chương trình, mục tiêu, trong đó chú ý đến mục tiêu nâng cao thu nhập, cải thiện đời sống người dân, thực hiện an sinh xã hội. Đặc biệt, các địa phương cần chú trọng tuyên truyền các chỉ tiêu rõ ràng để người dân chung tay thực hiện, đồng thời hỗ trợ nâng cao trình độ kỹ thuật, kiến thức cho nông dân để phát triển sản xuất đạt hiệu quả tốt nhất; tăng cường công tác kiểm tra giám sát đối với địa phương và nâng cao trách nhiệm của người đứng đầu trong thực hiện các Chương trình mục tiêu quốc gia…

Minh Thuận


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.