Nhiều thách thức trong công tác quản lý, bảo vệ rừng
Sáng 22-11, Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật tỉnh phối hợp với Sở NN-PTNT tổ chức Hội thảo khoa học Một số giải pháp về quản lý bảo vệ rừng giai đoạn hiện nay trên địa bàn tỉnh Đắk Lắk.
Tham dự Hội thảo có các chuyên gia trong lĩnh vực lâm nghiệp; đại diện các sở, ngành, địa phương và các chủ rừng trên địa bàn tỉnh.
Theo số liệu của Chi cục Kiểm lâm tỉnh, toàn tỉnh hiện có hơn 505.000 ha rừng, trong đó rừng tự nhiên 461.384,5 ha, rừng trồng 43.692 ha, độ che phủ rừng đạt 38,49%. Những cánh rừng tự nhiên của địa phương đa dạng về hệ động, thực vật, trong đó có nhiều loài động, thực vật quý hiếm như: voi, bò tót, cẩm lai, trắc, pơ mu...
Ông Nguyễn Hoài Dương, Giám đốc Sở NN-PTNT phát biểu ý kiến tại hội thảo |
Trong những năm qua, các cấp, các ngành của địa phương đã nỗ lực trong công tác quản lý, bảo vệ và phát triển rừng, góp phần nâng cao nhận thức về rừng của toàn xã hội; công tác xã hội hóa về lâm nghiệp đã được triển khai thực hiện có hiệu quả. Bên cạnh đó cũng kịp thời, phát hiện và xử lý nghiêm các hành vi vi phạm gây ảnh hưởng đến an ninh rừng. Chỉ tính từ năm 2014 đến nay, lực lượng chức năng của tỉnh đã phát hiện, xử lý 8.173 vụ vi phạm lâm luật, tịch thu 5.157 phương tiện, 13.564 m3 gỗ các loại, 201 cá thể và 1.241 kg động vật hoang dã.
Thạc sỹ Trần Văn Khoa, cán bộ Chi cục Kiểm lâm tỉnh trình bày tham luận tại hội thảo. |
Tại hội thảo, các đại biểu đã chỉ ra, đồng thời phân tích những khó khăn, thách thức trong công tác quản lý, bảo vệ và phát triển rừng hiện nay như: công tác quy hoạch, bảo vệ rừng thiếu đồng bộ với quy hoạch phát triển kinh tế - xã hội; việc chuyển đổi rừng tự nhiên nghèo kiệt sang trồng cao su, sản xuất nông nghiệp chưa được sử dụng đúng mục đích; công tác quản lý, bảo vệ rừng ở một số nơi còn lỏng lẻo, tình trạng gia tăng dân số, dân di cư tự do; nhu cầu, giá trị các mặt hàng lâm sản tăng; thiếu đất sản xuất…dẫn đến tài nguyên rừng bị xâm hại làm suy giảm cả trữ lượng, diện tích. Cụ thể, từ năm 2015-2017, toàn tỉnh có hơn 10.000 ha rừng bị phá, lấn chiếm trái phép.
Qua đó, các đại biểu cũng đề xuất một số giải pháp để nâng cao hiệu quả của công tác quản lý, bảo vệ rừng trong thời gian tới như: tăng cường đầu tư kinh phí, phương tiện cho các đơn vị, cá nhân, tổ chức tham gia giữ rừng; phát triển sản xuất, nâng cao mức sống của người dân sống gần rừng, giảm sự phụ thuộc vào rừng; tăng cường sự phối hợp của các cơ quan chức năng trong việc tuần tra, xử lý các hành vi vi phạm lâm luật; đầu tư sắp xếp ổn định số lượng dân di cư tự do; xử lý nghiêm những chủ rừng buông lỏng quản lý để mất rừng; áp dụng khoa học kỹ thuật hiện đại vào công tác quản lý, bảo vệ rừng…
Vạn Tiếp
Ý kiến bạn đọc