Multimedia Đọc Báo in

Tập trung giải quyết căn cơ vấn đề dân di cư tự do và quản lý sử dụng đất có nguồn gốc từ nông, lâm trường tại Tây Nguyên

20:31, 09/12/2018

Sáng ngày 9-12, tại TP. Buôn Ma Thuột đã diễn ra Hội nghị giải pháp ổn định dân di cư tự do (DCTD) trên địa bàn cả nước và quản lý, sử dụng đất có nguồn gốc từ nông, lâm trường tại Tây Nguyên do Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc cùng Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Trương Hòa Bình và Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng chủ trì.

Tham dự Hội nghị có đại diện lãnh đạo các Bộ, ban, ngành Trung ương; lãnh đạo 26 tỉnh có liên quan; các công ty, tập đoàn liên quan trong lĩnh vực nông, lâm nghiệp

Phía tỉnh Đắk Lắk, tham dự có Bí thư Tỉnh ủy Êban Y Phu; Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Bí thư Tỉnh ủy Trần Quốc Cường; Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Y Biêr Niê; Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Phạm Ngọc Nghị; Ủy viên dự khuyết Trung ương Đảng, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Nguyễn Hải Ninh; Phó Chủ tịch UBND tỉnh Y Giang Gry Niê  Knơng, cùng đại diện các sở, ngành, địa phương liên quan.

ảnh
Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Trương Hòa Bình phát biểu khai mạc hội nghị. Ảnh: Hoàng Gia

Theo báo cáo tại hội nghị, từ năm 2005-2017, tổng số dân DCTD trên địa bàn cả nước khoảng 66.738 hộ, trong đó vùng Tây Bắc 5.811 hộ; Tây Nguyên 58.846 hộ; Tây Nam Bộ 2.081 hộ. Đến hết năm 2017, tổng số hộ DCTD được hỗ trợ bố trí, sắp xếp theo quy hoạch và người dân tự ổn định là 42.237 hộ, đạt 63,3%. Như vậy đến nay vẫn còn 24.500 hộ dân DCTD chưa được bố trí, sắp xếp ổn định theo các dự án, tập trung chủ yếu ở các tỉnh Tây Nguyên.

ảnh
Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc chủ trì hội nghị. Ảnh: Hoàng Gia

Riêng giai đoạn 2013-2017, tổng số hộ dân DCTD đã được bố trí vào các điểm dân cư theo quy hoạch là 17.510 hộ; số hộ được đăng ký tạm trú, tạm vắng, nhập hộ khẩu thường trú để địa phương quản lý là 3.020 hộ. Tại các điểm bố trí ổn định dân cư cơ bản đã đầu tư xây dựng các công trình hạ tầng thiết yếu, hình thành được khu dân cư mới bảo đảm các tiêu chí nông thôn mới. Đồng thời, lồng ghép với các chương trình, dự án hỗ trợ phát triển sản xuất, đào tạo và chuyển đổi nghề nghiệp giúp người dân ổn định cuộc sống, nâng cao thu nhập. Trong giai đoạn này, các tỉnh đã lập, phê duyệt được 65 dự án bố trí, sắp xếp ổn định dân DCTD, với tổng nhu cầu vốn 3.951 tỷ đồng. Trong đó, 11 dự án đã hoàn thành, 39 dự án đang thực hiện dở dang, 15 dự án chưa được thực hiện. Tính hết năm 2017, tổng vốn đã thực hiện đầu tư là 1.808 tỷ đồng, đạt 45,8% tổng mức đầu tư được phê duyệt. Ngoài ra, hằng năm ngân sách trung ương bố trí nguồn vốn sự nghiệp kinh tế để hỗ trợ trực tiếp cho các hộ dân phải di chuyển theo kế hoạch, với tổng kinh phí khoảng 120 tỷ đồng/năm.

ảnh
Các đại biểu tham dự hội nghị. Ảnh: Hoàng Gia

Về tình hình quản lý, sử dụng đất có nguồn gốc đất từ các nông, lâm trường, đến nay, các tỉnh Tây Nguyên đã tiến hành rà soát 122 công ty, trong đó giữ lại 108 công ty; số công ty giải thể và bàn giao về địa phương là 14 công ty. Diện tích đất sau khi rà soát của 108 công ty nông, lâm nghiệp là 935.120 ha; diện tích các nông, lâm trường bàn giao về địa phương là 144.624 ha; 5/5 tỉnh đã cơ bản hoàn thành công tác đo đạc, cắm mốc ranh giới sử dụng đất đai đo đạc lập bản đồ địa chính; đã phê duyệt phương án sử dụng đất cho 49/108 công ty; đã thẩm định nhưng chưa phê duyệt 31 công ty, còn lại 28 công ty chưa thực hiện.

Tuy đã đạt được một số kết quả nhất định nhưng việc giải quyết tình trạng dân DCTD vẫn còn vướng mắc, đó là tình trạng xây dựng quy hoạch bố trí dân cư chưa phù hợp với thực tế; còn nhiều hộ dân chưa được di dời và bố trí, sắp xếp vào các điểm dân cư theo quy hoạch; nguồn kinh phí bố trí để thực hiện các dự án còn hạn chế, chưa kịp thời; nhiều hộ đã có chỗ ở ổn định nhưng thiếu đất sản xuất hoặc đã có nhưng chất đất xấu; hiệu lực, hiệu quả quản lý sử dụng đất của các nông, lâm trường còn  kém hiệu quả; tiềm ẩn nguy cơ phát sinh tranh chấp, lấn chiếm đất đai, rừng bị tàn phá, suy thoái môi trường tăng cao...

ảnh
Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc phát biểu kết luận hội nghị. Ảnh: Hoàng Gia

Phát biểu tại hội nghị, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh, dân DCTD là một vấn đề lớn, không phải là hiện tượng nhất thời. Hệ lụy của vấn đề dân DCTD không được giải quyết là sự ảnh hưởng tiêu cực về mặt kinh tế-xã hội, an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội, nhất là về tài nguyên và môi trường đối với các địa phương. Quan điểm chỉ đạo của Đảng và Nhà nước là không khuyến khích việc di dân tự do, theo đó yêu cầu các địa phương có dân DCTD giữ dân tại chỗ bằng cách phát triển cơ sở hạ tầng, nâng cao mức sống của địa phương để người dân gắn với mảnh đất của mình. Đối với những địa phương có dân đến, tập trung nguồn lực, tạo mọi điều kiện thuận lợi, tạo kế sinh nhai cho người dân sống trên đất mới. Phấn đấu đến năm 2020, giảm thiểu tối đa dân DCTD, hoàn thành dứt điểm các dự án để bảo đảm những nơi có dân di cư đến có cuộc sống ổn định; đến năm 2025 cơ bản không còn tình trạng dân DCTD; hoàn thành công tác bố trí, sắp xếp toàn bộ hộ dân đã DCTD vào các điểm dân cư theo quy hoạch…

ảnh
Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Phạm Ngọc Nghị phát biểu tại hội nghị. Ảnh: Hoàng Gia

Đối với vấn đề quản lý, sử dụng đất có nguồn gốc từ nông, lâm trường tại Tây Nguyên, các tỉnh phải có giải pháp nâng cao hiệu quả sử dụng đất; không để tình trạng đất vô chủ, tranh chấp, kiện tụng về đất đai; hoàn thành việc đo đạc đất đai. Các cơ quan Trung ương cần xây dựng đề án về tăng cường quản lý đất đai có nguồn gốc từ các nông, lâm trường quốc doanh để triển khai trong toàn quốc; tăng cường công tác thanh kiểm tra, hướng dẫn các địa phương tháo gỡ khó khăn về công tác quản lý, sử dụng đất đai; huy động, ưu tiên các nguồn lực giải quyết vấn đề này… Sau hội nghị này, Chính phủ sẽ có một Nghị quyết về dân DCTD và quản lý, sử dụng đất có nguồn gốc từ nông, lâm trường tại Tây Nguyên để giải quyết căn cơ vấn đề này.

Minh Thuận

 

 

 


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.