Multimedia Đọc Báo in

Thủ tướng Chính phủ kêu gọi toàn dân thực hiện Chương trình Sức khỏe Việt Nam

16:41, 27/02/2019

Sáng 27-2, Bộ Y tế tổ chức Hội nghị trực tuyến toàn quốc phát động Chương trình Sức khỏe Việt Nam với sự tham dự của Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc; Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam; lãnh đạo các bộ, ngành hữu quan.

Tham dự hội nghị tại điểm cầu Đắk Lắk có Phó Chủ tịch UBND tỉnh H’Yim Kđoh; lãnh đạo một số sở, ngành và đại diện các đơn vị trực thuộc Sở Y tế.

Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc phát biểu tại Hội nghị
Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc phát biểu tại Hội nghị. Ảnh VGP

Chương trình Sức khỏe Việt Nam được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 1092/QĐ-TTg ngày 2-9-2018 với mục tiêu chung là xây dựng môi trường hỗ trợ, tăng cường năng lực cho mỗi người dân; thực hiện tốt công tác quản lý, chăm sóc sức khỏe toàn diện để nâng cao sức khỏe, tầm vóc, tuổi thọ và chất lượng cuộc sống của người Việt Nam. Đây là một trong những chương trình tổng thể nhằm kết nối các chương trình, dự án, đề án trong lĩnh vực liên quan để tập trung thực hiện được các mục tiêu ưu tiên về sức khỏe. Chương trình được triển khai trên quy mô toàn quốc từ năm 2018 đến năm 2030. Từ năm 2031 trở đi, căn cứ thực trạng, nhu cầu và kết quả thực hiện của chương trình đã triển khai để xác định mục tiêu và các lĩnh vực ưu tiên tiếp theo.

Tại hội nghị, Thủ tướng Chính phủ kêu gọi mỗi người dân hãy chủ động bảo vệ, tăng cường sức khỏe của mình; tăng cường vận động, đi bộ, đi xe đạp, tập thể dục, thể thao, không hút thuốc lá, hạn chế uống rượu bia và có chế độ ăn uống hợp lý, giảm ăn muối, giảm đường, ăn nhiều rau xanh, trái cây.

Phó Chủ tịch UBND tỉnh H'Yim K'đoh và các đại biểu tham dự Hội nghị tại điểm cầu Đắk Lắk.
Phó Chủ tịch UBND tỉnh H'Yim Kđoh và các đại biểu tham dự Hội nghị tại điểm cầu Đắk Lắk.

Để thực hiện tốt Chương trình Sức khỏe Việt Nam, Thủ tướng yêu cầu các bộ, ngành, địa phương tập trung triển khai các nhiệm vụ trọng tâm: nâng cao nhận thức và đề cao ý thức trách nhiệm của các cấp, các ngành, của cả hệ thống chính trị và toàn dân đối với công tác chăm sóc sức khỏe; tuyên truyền các hành vi, lối sống có lợi cho sức khỏe nhằm tạo ra phong trào có sức lan tỏa sâu rộng, bền vững, trở thành thói quen, nếp sống văn hóa trong cộng đồng dân cư; cùng với làm tốt công tác y tế dự phòng, phòng chống dịch bệnh, cần cung cấp đầy đủ các dịch vụ chăm sóc sức khỏe thiết yếu để mọi người dân được kiểm tra sức khỏe định kỳ, phát hiện sớm bệnh tật; thực hiện đồng bộ các giải pháp giảm thiểu các yếu tố nguy cơ có hại cho sức khỏe; tạo điều kiện khuyến khích người dân tiếp cận sử dụng không gian công cộng, cơ sở luyện tập thể dục thể thao…

Kim Oanh


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.