Multimedia Đọc Báo in

Tiếp tục nâng cao giá trị cà phê Việt Nam

21:17, 10/03/2019
Chiều 10-3, UBND tỉnh Đắk Lắk phối hợp Bộ NN-PTNT, Hiệp hội Cà phê Ca cao Việt Nam tổ chức Hội thảo phát triển cà phê đặc sản Việt Nam. 
 
Thứ trưởng Bộ NN-PTNT Lê Quốc Doanh; Chủ tịch Hiệp hội Cà phê - Ca cao Việt Nam Lương Văn Tự; Phó Chủ tịch UBND tỉnh Y Giang Gry Niê Knơng đồng chủ trì hội thảo. Tham dự hội thảo còn có Đại sứ quán Indonesia; Tổng Lãnh sự quán Hoa Kỳ tại Việt Nam; đại diện lãnh đạo Bộ Công thương, Bộ Khoa học và Công nghệ, UBND và Sở NN-PTNT của nhiều tỉnh bạn; một số doanh nghiệp, trang trại về lĩnh vực cà phê trong nước.
 
ảnh
Thứ trưởng Bộ NN-PTNT Lê Quốc Doanh phát biểu điều hành hội thảo
 
Theo Cục Trồng trọt, diện tích cà phê Việt Nam hiện có trên 664.000 ha, sản lượng cà phê đạt trên 1,5 triệu tấn nhân/năm, trong đó cà phê Robusta chiếm diện tích lớn (93%), còn lại là cà phê Arabica. Cà phê Việt Nam được xuất khẩu đi trên 80 quốc gia và vùng lãnh thổ trên thế giới, với kim ngạch xuất khẩu khoảng 3 tỷ USD, chiếm 14% thị phần và 10,4% giá trị cà phê nhân xuất khẩu toàn cầu, đứng thứ 2 sau Brazil. Riêng Đắk Lắk, niên vụ 2017 - 2018, tỉnh có 204.808 ha cà phê, trong đó diện tích cho sản phẩm 187.279 ha, năng suất bình quân đạt 24,55 tạ/ha; tổng sản lượng ước đạt 459.785 tấn, tăng 11.975 tấn so với niên vụ 2016 – 2017; xuất khẩu cà phê đạt 191.169 tấn, với kim ngạch 365 triệu USD.
 
Mặc dù là mặt hàng có kim ngạch xuất khẩu cao trong nhóm hàng nông sản của Việt Nam, nhưng tốc độ tăng trưởng kim ngạch giai đoạn 2013 - 2017 chỉ ở mức bình quân 6,57%/năm. Nguyên nhân chủ yếu là do chịu nhiều biến động của thị trường cà phê thế giới, trong lúc cơ cấu các sản phẩm cà phê có giá trị gia tăng cao vẫn còn thấp, xuất khẩu cà phê nhân chiếm tỷ trọng lớn.
 
ảnh
Phó Chủ tịch UBND tỉnh Y Giang Gry Niê Knơng phát biểu tại hội thảo

Tại hội thảo lần này, mục tiêu hướng tới là nhận diện thị trường cà phê đặc sản thế giới và ở Việt Nam; tìm hiểu kinh nghiệm và mô hình phát triển cà phê đặc sản trên thế giới; xác định khả năng tham gia thị trường cà phê đặc sản của cà phê Việt Nam; đề xuất các giải pháp để phát triển cà phê đặc sản Việt Nam. Các đại biểu cho rằng, đối với cà phê chế biến theo hướng đặc sản, gần như cả hệ thống phải có cách tiếp cận mới: học lại từ đầu từ cách hái, lựa quả chín, chế biến - phơi cà phê, đánh giá chất lượng Q-graders, thử nếm... Việc phát triển cà phê đặc sản tại Việt Nam về chiến lược sẽ giúp khai thác phân khúc thị trường mới, đa dạng hóa mặt hàng, góp phần nâng cao chất lượng chung của cà phê Việt Nam. Đối với Chỉ dẫn địa lý Cà phê Buôn Ma Thuột thì cà phê đặc sản góp phần khẳng định thương hiệu và nâng cao chất lượng Cà phê Buôn Ma Thuột. Tuy nhiên, đừng để cà phê đặc sản Việt Nam phát triển một cách đại trà mà nên có một chiến lược tốt cho phát triển cà phê đặc sản từ khâu lựa chọn vùng khí hậu, thổ nhưỡng đến khâu giống, chăm sóc và chế biến, bảo đảm tiêu chuẩn chất lượng theo quy định của thế giới.

ảnh
Các đại biểu tham dự hội thảo

Phát biểu tại hội thảo, Thứ trưởng Bộ NN-PTNT Lê Quốc Doanh nhấn mạnh, cà phê là một trong những sản phẩm chủ lực quốc gia, Chính phủ và các địa phương đã có nhiều chính sách ưu đãi cho ngành hàng cà phê phát triển. Trong thời gian tới, các địa phương tiếp tục đẩy mạnh ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật, đặc biệt là cần có gói kỹ thuật đồng bộ; quyết liệt trong quản lý việc trồng xen trong vườn cà phê; đẩy mạnh chương trình chứng nhận; chú trọng chế biến sâu để tận dụng cơ hội trong hội nhập kinh tế quốc tế… Về phát triển cà phê đặc sản, các địa phương cần quan tâm đến vùng miền, giống, quy trình canh tác... Đề nghị Cục Chế biến thương mại (Bộ NN-PTNT), tham khảo các chuyên gia nước ngoài để sớm triển khai xây dựng một chương trình phát triển cà phê đặc sản Việt Nam.

Minh Thuận - Thanh Hường


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.