Tăng cường thực thi pháp luật quản lý, bảo vệ rừng và lâm sản ở Tây Nguyên
Ngày 22-8, Trung tâm Nghiên cứu Lâm nghiệp Nhiệt đới Việt Nam phối hợp Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và Hội khoa học Lâm nghiệp tỉnh Đắk Lắk tổ chức Hội thảo “Tăng cường thực thi pháp luật quản lý, bảo vệ rừng và lâm sản Tây Nguyên” nhằm thảo luận những nguyên nhân, hạn chế, từ đó khuyến nghị những biện pháp khắc phục để bảo vệ và phát triển bền vững rừng tại khu vực Tây Nguyên.
Tham dự hội thảo có khoảng 50 đại biểu đại diện cho các cơ quan quản lý nhà nước, trung tâm nghiên cứu, trường đại học, các chủ rừng trên khu vực Tây Nguyên.
Ông Nguyễn Hoài Dương, Giám đốc Sở NN-PTNT Đắk Lắk phát biểu tại hội thảo. |
Tại hội thảo, các đại biểu đều có chung nhận định: khu vực Tây Nguyên có diện tích rừng lớn với hơn 2,2 triệu héc-ta rừng tự nhiên đóng vai trò quan trọng trong phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo quốc phòng - an ninh và bảo vệ môi trường. Tuy nhiên trong những năm qua, rừng ở Tây Nguyên đang suy giảm tới mức đáng báo động, chỉ tính riêng trong giai đoạn 2010 - 2015 diện tích rừng suy giảm trên toàn vùng là 312.416 ha, độ che phủ giảm 5,8%.
Các đại biểu tham dự hội thảo. |
Tình hình vi phạm pháp luật về lâm nghiệp ở khu vực Tây Nguyên diễn ra phức tạp. Theo thống kê từ năm 2015 đến tháng 7-2019 khu vực Tây Nguyên đã phát hiện, xử lý 22.896 vụ vi phạm lâm luật, tịch thu 34.015,26 m3 gỗ các loại, thiệt hại 2.570 ha rừng.
Nhiều nguyên nhân mất rừng ở khu vực Tây Nguyên cũng được chỉ ra tại hội thảo như: do lấn chiếm rừng để lấy đất sản xuất nông nghiệp; nhiều chủ rừng không đủ phương tiện, lực lượng để quản lý, bảo vệ rừng; tình trạng dân di cư tự do chưa được kiểm soát; công tác phòng cháy, chữa cháy rừng nhiều nơi chưa được chú trọng…
Để quản lý, bảo vệ bền vững phát triển rừng khu vực Tây Nguyên trong thời gian tới, các đại biểu tham dự hội thảo cho rằng: các địa phương cần tăng cường lực lượng tuần tra, xử lý các điểm nóng về phá rừng, khai thác lâm sản; tăng cường phối hợp trong công tác quản lý, bảo vệ rừng; xây dựng các mô hình giao khoán rừng cho người dân vùng đệm để gắn lợi ích của họ với công tác quản lý, bảo vệ rừng; tập trung nghiên cứu, triển khai thực hiện Luật Lâm nghiệp và các văn bản quy phạm pháp luật liên quan…
Đặc biệt, tập trung nghiên cứu, đánh giá hiện trạng rừng và đất lâm nghiệp làm cơ sở xây dựng kế hoạch để triển khai hiệu quả Quyết định số 297/QĐ- TTg ngày 18-3-2019 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt Đề án khôi phục, bảo vệ và phát triển bền vững vùng Tây Nguyên giai đoạn 2016 - 2030 với mục tiêu ngăn chặn, đẩy lùi tình trạng mất rừng, từng bước khôi phục, phát triển rừng, đến năm 2030 nâng diện tích rừng trên toàn khu vực lên 2,72 triệu héc-ta, độ che phủ đạt 49,2%.
Vạn Tiếp
Ý kiến bạn đọc