Tìm phương án giám sát đàn voi hoang dã bằng thiết bị định vị GPS
Ngày 19-9, Sở NN-PTNT phối hợp với Tổ chức Bảo tồn thiên nhiên thế giới (WWF) Việt Nam tổ chức Hội thảo đánh giá tính khả thi của hoạt động áp dụng kỹ thuật định vị GPS trong giám sát voi hoang dã tại tỉnh Đắk Lắk.
Tham dự hội thảo có Phó Chủ tịch UBND tỉnh Y Giang Gry Niê Knơng cùng hơn 50 đại biểu đại diện cho Cục Kiểm lâm (Tổng cục Lâm nghiệp); WWF- Việt Nam; các sở ngành của tỉnh; các chuyên gia bảo tồn voi trong nước trong nước và quốc tế.
Phó Chủ tịch UBND tỉnh Y Giang Gry Niê Knơng phát biểu tại hội thảo |
Theo báo cáo tại hội thảo, tỉnh Đắk Lắk hiện có khoảng 5 đàn voi hoang dã với số lượng 80-100 con, phân bố chủ yếu tại Vườn Quốc gia Yok Đôn và những khu vực rừng thuộc các huyện Buôn Đôn, Ea Súp, Ea H’leo, Cư M’gar.
Trong những năm qua, nhờ sự nỗ lực của các ngành chức năng, quần thể voi hoang dã ở Đắk Lắk vẫn được bảo vệ với quần thể đủ lớn và có cấu trúc đầy đủ voi đực, voi cái, voi trưởng thành và voi con.
Tuy nhiên, do diện tích rừng ngày càng bị thu hẹp nên công tác bảo tồn voi hoang dã còn gặp nhiều khó khăn, đặc biệt là vấn đề giải quyết xung đột giữa người và voi.
Đắk Lắk chưa có điều kiện áp dụng trang thiết bị kỹ thuật hiện đại để theo dõi, giám sát sự di chuyển của voi và cảnh báo sớm nhằm hạn chế thiệt hại về hoa màu, tài sản, bảo đảm an toàn tính mạng của người dân; phục vụ nghiên cứu toàn diện về vùng phân bố và di chuyển theo mùa của voi hoang dã.
Các đại biểu tham gia hội thảo |
Trong khi đó, trên thế giới hiện đã có nhiều nước áp dụng công nghệ đeo vòng cổ có định vị GPS để theo dõi voi hoang dã và thu được rất nhiều kiết quả tích cực.
Theo các chuyên gia, việc sử dụng kỹ thuật định vị GPS để theo dõi voi hoang dã trong nghiên cứu tập tính di chuyển theo vùng, theo mùa để có thêm thông tin giúp các đơn vị chức năng nâng cao năng lực trong công tác bảo tồn voi địa bàn tỉnh là cần thiết. Tuy nhiên, việc đeo vòng định vị cho voi hoang dã cần bảo đảm các yêu cầu, quy định về mặt pháp lý.
Chuyên gia tư vấn nước ngoài trình bày tham luận tại hội thảo |
Phát biểu tại Hội thảo, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Y Giang Gry Niê Knơng ghi nhận những đóng góp của WWF- Việt Nam và các tổ chức quốc tế đã hỗ trợ tỉnh trong công tác bảo tồn voi, đồng thời yêu cầu các sở ngành của tỉnh phối hợp chặt chẽ với tổ chức WWF- Việt Nam để xây dựng các phương án phù hợp trong việc áp dụng kỹ thuật định vị GPS trong giám sát voi hoang dã nhằm nâng cao hiệu quả của công tác bảo tồn voi.
Hội thảo là hoạt động nằm trong Dự án “Nỗ lực bảo tồn quần thể voi hoang dã lớn nhất Việt Nam tại Đắk Lắk” do WWF – Việt Nam phối hợp với Trung tâm Bảo tồn voi Đắk Lắk thực hiện trong 2 năm 2019-2020 với mục tiêu nghiên cứu số lượng quần thể và cấu trúc bầy của mỗi quần thể voi hoang dã thông qua thu thập mẫu phân và phân tích di truyền; đánh giá tính khả thi của hoạt động áp dụng kỹ thuật định vị GPS trong giám sát vùng di chuyển của voi hoang dã; giảm thiểu xung đột voi – người.
Vạn Tiếp
Ý kiến bạn đọc