Multimedia Đọc Báo in

Thay đổi cơ cấu cây trồng để giảm thiểu thiệt hại do voi rừng gây ra

15:05, 26/11/2019

Sáng 26-11, Trường Đại học Tây Nguyên phối hợp với Vườn Quốc gia Yok Đôn tổ chức Hội thảo tham vấn, góp ý kết quả đề tài: “Xác định cơ cấu cây trồng và kỹ thuật canh tác phù hợp nhằm giảm thiểu thiệt hại do voi gây ra ở khu vực có xung đột voi – người trong vùng đệm của Vườn Quốc gia (VQG) Yok Đôn” (gọi tắt là Đề tài).

Tham dự hội thảo có khoảng 30 đại biểu là giảng viên Trường Đại học Tây Nguyên, các nhà khoa học, đại diện huyện Buôn Đôn, VQG Yok Đôn, Trung tâm Bảo tồn voi và một số hộ dân trong vùng triển khai Đề tài.  

Tiến sỹ Cao Thị Lý, Chủ nhiệm Đề tài, Giảng viên Trường Đại học Tây Nguyên trình bày một số kết quả nghiên cứu tại hội thảo
Tiến sĩ Cao Thị Lý, Chủ nhiệm Đề tài, Giảng viên Trường Đại học Tây Nguyên trình bày một số kết quả nghiên cứu tại hội thảo.

Theo đánh giá của các đại biểu tham dự hội thảo, khu vực rừng và vùng đệm VQG Yok Đôn là nơi voi rừng thường xuyên xuất hiện, kiếm ăn. Ở đây, hiện nay có nhiều diện tích đất canh tác của người dân đang trồng các loại hoa màu, lúa, mía… là những loại thức ăn ưa thích của voi nên chúng thường đến kiếm ăn, gây thiệt hại cho bà con. Chính vì vậy, việc tìm kiếm những loài cây phù hợp với thổ nhưỡng, mang lại hiệu quả kinh tế cho người dân và không phải là loại thức ăn voi ưa thích để hạn chế xung đột giữa voi – người là điều hết sức cần thiết.  

Các đại biểu tham gia hội thảo
Các đại biểu tham gia hội thảo.

Qua hơn một năm triển khai Đề tài, các nhà khoa học đã khảo sát, điều tra xác định số lượt các đàn voi, hướng xâm nhập, phạm vi và hình thức hoạt động của voi rừng; xác định, mô tả được thực tế các loại cây trên nương rẫy bị phá; xác định những loài cây trồng voi không thích; tạo nguồn thu nhập… Đề tài cũng đã hỗ trợ xây dựng 4 mô hình với sự tham gia của 11 hộ dân trên địa bàn xã Krông Na (huyện Buôn Đôn) để trồng các loại cây mà voi không ưa thích trên những khu vực nương rẫy voi rừng thường xuất hiện kiếm ăn, gây hại như: trồng cây tếch kết hợp với môn sọ; trồng me ngọt kết hợp với môn sọ và nghệ; trồng bưởi da xanh kết hợp với nghệ, cà đắng, ớt; trồng táo xanh kết hợp cà đắng, ớt; trồng cây ca ri. Đến nay, các vườn cây phát triển tương đối tốt, đặc biệt voi rừng không đến kiếm ăn và phá hoại.

Đây là đề tài cấp Bộ do Tiến sĩ Cao Thị Lý, giảng viên Trường Đại học Tây Nguyên làm chủ nhiệm được triển khai từ tháng 1-2018 đến tháng 12-2019.  

Bảo Ngọc

 

 


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.