Multimedia Đọc Báo in

Đoàn công tác Bộ Giao thông vận tải làm việc với UBND tỉnh

19:55, 21/12/2019

Sáng 21-12, Đoàn công tác của Bộ Giao thông vận tải (GTVT) do đồng chí Nguyễn Văn Thể, Ủy viên Trung ương Đảng, Bộ trưởng Bộ GTVT làm Trưởng đoàn đã có buổi làm việc với UBND tỉnh về công tác quản lý Nhà nước trong lĩnh vực GTVT.

Dự và làm việc với Đoàn có các đồng chí: Bùi Văn Cường, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy; Phạm Ngọc Nghị, Chủ tịch UBND tỉnh; Võ Văn Cảnh, Phó Chủ tịch UBND tỉnh; Y Biêr Niê, Chủ tịch HĐND tỉnh và đại diện lãnh đạo các sở, ban, ngành.

d
Phó Chủ tịch UBND tỉnh Võ Văn Cảnh báo cáo công tác quản lý Nhà nước về ngành GTVT tại buổi làm việc.

Báo cáo tại buổi làm việc, UBND cho biết, tỉnh có 7 tuyến quốc lộ, trên 763 km kết nối với các tỉnh Tây Nguyên, duyên hải miền Trung, tạo mạng lưới giao thông đối ngoại khá thuận lợi cho giao thương, phát triển kinh tế - xã hội. Tuy nhiên, hiện nay mới chỉ đầu tư cơ bản đường Hồ Chí Minh, các tuyến còn lại như Quốc lộ 26, 27, 29, 14C và 19C đang bị xuống cấp trầm trọng. Hệ thống giao thông đường bộ trên địa bàn tỉnh hầu hết là kết cấu mặt đường thấp, đã khai thác, sử dụng trên 15 năm, hiện nhiều tuyến bị hư hỏng nặng, cần được nâng cấp, cải tạo.

d
Bí thư Tỉnh ủy Bùi Văn Cường nêu sự cần thiết đầu tư tuyến cao tốc Buôn Ma Thuột đi Nha Trang tại buổi làm việc.

Giao thông đường thủy có 544 km, trong đó có khoảng 100 km có thể tổ chức vận tải được. Sân bay Buôn Ma Thuột khai thác đi các tỉnh, thành như Hà Nội, TP. Hồ Chí Minh, Vinh, Đà Nẵng và Hải Phòng, chưa có đường bay quốc tế. Đường sắt tỉnh chưa được đầu tư. Về giao thông tĩnh, toàn tỉnh có 15 bến xe khách từ loại 1 đến loại 6; có 10 cơ sở đào tạo lái xe và 5 trung tâm đăng kiểm phương tiện cơ giới đường bộ. Về hoạt động vận tải, hiện nay toàn tỉnh có 138 đơn vị kinh doanh vận tải hàng hóa và hành khách, với 16.361 phương tiện.

d
Chủ tịch UBND tỉnh Phạm Ngọc Nghị nêu những kiến nghị của tỉnh về xây dựng các công trình giao thông trọng điểm.

Tại buổi làm việc, tỉnh kiến nghị Bộ GTVT quan tâm, xem xét trình Chính phủ và các Bộ, ngành Trung ương hỗ trợ nguồn lực, cơ chế chính sách để đầu tư phát triển hạ tầng giao thông ở Đắk Lắk. Trong đó, quan tâm bổ sung đường cao tốc Buôn Ma Thuột đi Nha Trang vào Quy hoạch phát triển mạng lưới đường cao tốc Việt Nam đến năm 2025, định hướng đến năm 2030. Sớm đầu tư đường sắt Buôn Ma Thuột – Tuy Hòa, chiều dài 94 km, dự kiến tổng mức 6.500 tỷ đồng. Điều chỉnh quy hoạch Cảng hàng không Buôn Ma Thuột thành Cảng hàng không quốc tế; cho phép mở mới một số tuyến từ Buôn Ma Thuột đến Phú Quốc, Cần Thơ, Quảng Ninh. Hỗ trợ đầu tư Dự án đường Hồ Chí Minh đoạn tuyến tránh phía Đông TP. Buôn Ma Thuột, chiều dài hơn 41 km, tổng mức khoảng 1.200 tỷ đồng… Ngoài ra, tỉnh mong muốn Bộ quan tâm, hỗ trợ vốn đầu tư các trục đường giao thông đến các khu, điểm du lịch để thúc đẩy ngành Du lịch của tỉnh phát triển.

d
Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải Nguyễn Văn Thể phát biểu kết luận tại buổi làm việc.

Phát biểu kết luận tại buổi làm việc, Bộ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Văn Thể đề nghị tỉnh cần tăng cường kết nối với doanh nghiệp lớn để kêu gọi đầu tư đối với các dự án giao thông trọng điểm như đường cao tốc Buôn Ma Thuột – Nha Trang; tuyến đường sắt Buôn Ma Thuột – Tuy Hòa... Trước mắt, đối với đường cao tốc Buôn Ma Thuột – Nha Trang tỉnh cần trích nguồn kinh phí địa phương để thực hiện việc nghiên cứu bổ sung quy hoạch tuyến này để Bộ có cơ sở trình Chính phủ sớm nhất. Đối với việc điều chỉnh Cảng hàng không Buôn Ma Thuột lên Cảng Hàng không quốc tế là chưa thực sự cần thiết, tuy nhiên việc nâng cấp đường băng phục vụ cho các loại máy bay cất, hạ cánh thì Bộ giao Cục Hàng không sớm nghiên cứu, xem xét; đồng thời khuyến khích các hãng hàng không mở đường bay đi và đến Buôn Ma Thuột.

Hoàng Tuyết


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.