Multimedia Đọc Báo in

Hội nghị trực tuyến triển khai các chính sách hỗ trợ người dân gặp khó khăn do đại dịch Covid-19

19:23, 27/04/2020

Chiều 27-4, Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội phối hợp với Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam tổ chức Hội nghị trực tuyến triển khai và hướng dẫn thực hiện các chính sách hỗ trợ người dân gặp khó khăn do đại dịch Covid-19.

Đồng chủ trì Hội nghị gồm: Bí thư Trung ương Đảng, Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam Trần Thanh Mẫn; Ủy viên Trung ương Đảng, Bộ trưởng Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội Đào Ngọc Dung; Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Chủ tịch – Tổng Thư ký Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam Hầu A Lềnh.

Tham dự Hội nghị tại điểm cầu chính Viettel Đắk Lắk có Phó Chủ tịch UBND tỉnh H’Yim Kđoh; Thường trực Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh cùng lãnh đạo các sở, ngành hữu quan.

Các đại biểu đã nghe Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội quán triệt, hướng dẫn thực hiện Nghị quyết số 42/NQ-CP ngày 9-4-2020 và Quyết định số 15/2020/QĐ-TTg ngày 24-4-2020 của Thủ tướng Chính phủ về việc thực hiện các chính sách hỗ trợ người dân gặp khó khăn do đại dịch Covid-19. Đây là chính sách an sinh lớn lên đến 62.000 tỷ đồng với đối tượng thụ hưởng rộng, gồm: hộ nghèo - cận nghèo; người có công với cách mạng; đối tượng bảo trợ xã hội; người lao động bị chấm dứt hợp đồng lao động; người lao động tạm hoãn thực hiện hợp đồng lao động hoặc nghỉ việc không hưởng lương; người lao động không có giao kết hợp đồng lao động bị mất việc làm; người sử dụng lao động vay vốn để trả lương ngừng việc đối với người lao động; hộ kinh doanh có doanh thu khai thuế dưới 100 triệu đồng/năm tạm ngừng kinh doanh từ 1-4-2020.

Các đại biểu tham dự Hội nghị tại điểm cầu Viettel Đắk Lắk.
Các đại biểu tham dự Hội nghị tại điểm cầu Viettel Đắk Lắk.

Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam cũng trình bày dự thảo hướng dẫn giám sát thực hiện các chính sách hỗ trợ người dân gặp khó khăn do đại dịch Covid-19 với mục tiêu phát huy vai trò của MTTQ và tổ chức thành viên của Mặt trận trong việc bảo đảm việc thực hiện các biện pháp hỗ trợ được triển khai đúng đối tượng, công bằng và kịp thời, hạn chế và ngăn chặn các hành vi trục lợi, vi phạm trong thực hiện chính sách. Đồng thời, đại diện Tổng Công ty Bưu điện Việt Nam hướng dẫn giải pháp ứng dụng công nghệ thông tin phục vụ công tác chi trả hỗ trợ.

Cũng tại hội nghị, các đại biểu đã thảo luận, trao đổi xoay quanh việc triển khai như thế nào cho hiệu quả, kịp thời và ngăn chặn các hành vi lợi dụng, trục lợi chính sách.      

Phát biểu kết luận hội nghị, Ủy viên Trung ương Đảng, Bộ trưởng Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội Đào Ngọc Dung đề nghị các địa phương thực hiện nghiêm chỉ đạo của Thủ tướng, bám sát các nguyên tắc cơ bản, tập trung hỗ trợ người lao động, người dân bị giảm sâu về thu nhập do ảnh hưởng bởi dịch Covid-19, không đảm bảo mức sống tối thiểu và một số đối tượng chính sách được quy định trong quyết định và Nghị quyết của Chính phủ với tinh thần Nhà nước, doanh nghiệp và cộng đồng xã hội cùng chia sẻ trách nhiệm đảm bảo cuộc sống của người dân.

Việc hỗ trợ phải đảm bảo công khai, minh bạch, không để lợi dụng chính sách, nếu vi phạm sẽ bị xử lý nghiêm. Ủy ban MTTQ các cấp tham gia giám sát ngay từ khi lập danh sách đối tượng thụ hưởng để vừa đảm bảo chính xác về đối tượng, vừa kịp thời về thời gian. Các bộ, ngành, địa phương tuân thủ đúng Quyết định 15 của Thủ tướng, không ban hành thêm thủ tục hành chính, triển khai nhanh để người dân, người lao động sớm được thụ hưởng chính sách. Các đơn vị thực hiện dịch vụ công trực tuyến, cơ bản chuyển khoản hỗ trợ qua ngân hàng, khuyến khích các ngân hàng mở tài khoản và chuyển tiền miễn phí cho người lao động.

Bộ trưởng yêu cầu tập trung triển khai ngay trong tháng 4-2020 đối với 4 nhóm đối tượng đã có danh sách cụ thể là hộ nghèo, cận nghèo, người có công với cách mạng, đối tượng bảo trợ xã hội. Các nhóm còn lại cũng cần đẩy nhanh tiến độ giải ngân, càng sớm càng tốt…

Kim Oanh

 


Ý kiến bạn đọc


(Video) TP. Buôn Ma Thuột tiên phong trong cải cách hành chính
TP. Buôn Ma Thuột đang đẩy mạnh cải cách hành chính trên tất cả các ngành, lĩnh vực, địa phương, hướng tới xây dựng chính quyền số. Người dân cũng đã thay đổi, sẵn sàng đón nhận, trải nghiệm những công nghệ, dịch vụ mới và dần trở thành nhân tố tích cực tham gia vào quá trình chuyển đổi số.