Quốc hội sẽ thông qua 16 luật trong năm 2020
Ngày 22-5, tiếp tục chương trình kỳ họp thứ chín, Quốc hội khóa XIV, Quốc hội đã nghe các tờ trình, báo cáo thẩm tra, báo cáo giải trình, tiếp thu và thảo luận trực tuyến các dự án luật gồm: Luật Thỏa thuận quốc tế; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Xử lý vi phạm hành chính; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật. Quốc hội cũng đã thảo luận trực tuyến về dự kiến Chương trình giám sát của Quốc hội năm 2021; dự kiến Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2021, điều chỉnh Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2020.
Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu điều hành các phiên họp.
Toàn cảnh phiên họp tại Hội trường Diên Hồng. Ảnh:quochoi.vn |
Các ĐBQH đều thống nhất cao với việc ban hành Luật Thỏa thuận quốc tế nhằm tiếp tục thể chế hóa đường lối, chủ trương của Đảng về hội nhập quốc tế, nhất là sau khi ban hành Hiến pháp năm 2013, Luật Điều ước quốc tế năm 2016 và đáp ứng đòi hỏi từ thực tiễn.
Tuy nhiên, một số ý kiến cho rằng, dự thảo luật vẫn có một số quy định thiếu tính thống nhất; quy định chủ thể ký kết chỉ là cơ quan của Quốc hội, chưa bao quát hết các chủ thể có thẩm quyền ký kết về phía Quốc hội; việc mở rộng chủ thể ký kết thỏa thuận quốc tế đến UBND cấp huyện và UBND cấp xã cần được cân nhắc thận trọng do hợp tác quốc tế luôn tiềm ẩn những vấn đề nhạy cảm về chính trị, đối ngoại, quốc phòng, an ninh…
Phó Thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Phạm Bình Minh trình bày Tờ trình về dự án Luật Thỏa thuận quốc tế. Ảnh: quochoi.vn |
Dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Xử lý vi phạm hành chính nhằm sửa đổi, bổ sung, bãi bỏ một số điều của Luật xử lý vi phạm hành chính số 15/2012/QH13. Các đại biểu tập trung thảo luận về một số nội dung liên quan đến việc giao quyền xử phạt vi phạm hành chính; quy định bổ sung thêm một số trường hợp được áp giải người vi phạm nhằm đáp ứng yêu cầu thực tiễn; bỏ quy định về việc đối tượng phải trải qua biện pháp tiền đề giáo dục tại xã, phường, thị trấn trước khi bị áp dụng biện pháp đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc...
Đối với dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật, các đại biểu cơ bản tán thành với quan điểm chỉ đạo và phạm vi sửa đổi là để thể chế hóa đầy đủ chủ trương, đường lối của Đảng, đặc biệt là kết luận của Ban Bí thư tại Thông báo số 26-TB/TW ngày 19-4-2017 và chỉ sửa đổi, bổ sung một số điều để quy định cho hợp lý, sát thực tế, cụ thể hơn nhằm kịp thời tháo gỡ vướng mắc, khó khăn phát sinh trong thực tiễn. Các đại biểu tập trung thảo luận vào 3 nhóm vấn đề sửa đổi: bảo đảm sự lãnh đạo của Đảng trong xây dựng, ban hành văn bản quy phạm pháp luật; trách nhiệm chủ trì việc tiếp thu, chỉnh lý dự thảo luật, pháp lệnh; một số vấn đề khác có khó khăn, vướng mắc trong quá trình thực thi.
Tổng Thư ký Quốc hội, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc trình bày Tờ trình về dự kiến Chương trình giám sát của Quốc hội năm 2021. Ảnh: quochoi.vn |
Quốc hội đã dành nhiều thời gian để xem xét, thảo luận dự kiến Chương trình giám sát và Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2021. Theo đó, dự kiến Chương trình giám sát năm 2021, tại kỳ họp thứ mười một, Quốc hội khóa XIV, Quốc hội sẽ xem xét các báo cáo công tác nhiệm kỳ khóa XIV của Chủ tịch nước, Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Hội đồng Dân tộc, các Ủy ban của Quốc hội, Chính phủ, TAND Tối cao, Viện KSND Tối cao, Kiểm toán nhà nước; xem xét các báo cáo về công tác thực hành tiết kiệm, chống lãng phí năm 2020; xem xét một số báo cáo khác theo quy định…
Tại kỳ họp thứ nhất Quốc hội khóa XV, Quốc hội sẽ xem xét các báo cáo về đánh giá kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội, ngân sách nhà nước 6 tháng đầu năm và các giải pháp thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội, ngân sách nhà nước 6 tháng cuối năm 2021; quyết toán ngân sách nhà nước năm 2019; xem xét báo cáo kết quả công tác bầu cử đại biểu Quốc hội nhiệm kỳ khóa XV và đại biểu Hội đồng nhân dân nhiệm kỳ 2021-2026...
Tại kỳ họp thứ hai Quốc hội khóa XV, Quốc hội sẽ xem xét các báo cáo về kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2022, dự toán ngân sách nhà nước và phương án phân bổ ngân sách trung ương năm 2022; xem xét các báo cáo của Chính phủ về công tác phòng, chống tham nhũng, công tác phòng, chống tội phạm và vi phạm pháp luật, công tác thi hành án; tình hình thi hành Hiến pháp, luật, nghị quyết của Quốc hội…
Phó Trưởng Đoàn chuyên trách Đoàn ĐBQH tỉnh Y Khút Niê (đứng giữa) cùng Đoàn công tác giám sát việc thực hiện chính sách, pháp luật tại huyện Buôn Đôn. (Ảnh minh họa). |
Đối với dự kiến điều chỉnh Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2020 thì Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã quyết định đưa ra khỏi Chương trình đối với dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Đất đai và Luật Khám bệnh, chữa bệnh (sửa đổi); đề nghị không bổ sung dự thảo Nghị quyết về giải quyết một số vấn đề vướng mắc trong quá trình tổ chức thi hành Luật Đất đai vào Chương trình năm 2020; lùi thời gian trình Quốc hội dự án Luật Thi đua, khen thưởng (sửa đổi)… Như vậy, sau khi điều chỉnh thì tại Kỳ họp thứ chín, sẽ trình Quốc hội thông qua 10 dự án luật, 5 dự thảo nghị quyết; cho ý kiến 6 dự án luật. Tại kỳ họp thứ mười (vào tháng 10-2020), sẽ trình Quốc hội thông qua 6 dự án luật, 1 dự thảo nghị quyết; cho ý kiến 4 dự án luật; trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội 1 dự án Pháp lệnh Ưu đãi người có công với cách mạng (sửa đổi).
Về dự kiến Chương trình năm 2021, có 4 dự án luật sẽ được Quốc hội cho ý kiến tại kỳ họp thứ mười và theo nguyên tắc sẽ được thông qua tại kỳ họp thứ mười một, gồm: Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Phòng, chống nhiễm vi rút gây ra hội chứng suy giảm miễn dịch mắc phải ở người (HIV/AIDS); Luật Giao thông đường bộ (sửa đổi); Luật Phòng, chống ma túy (sửa đổi); Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Công đoàn.
Tại kỳ họp thứ nhất của Quốc hội khoá XV, để tập trung cho công tác nhân sự của bộ máy nhà nước, Uỷ ban Thường vụ Quốc hội đề nghị không trình các dự án luật để Quốc hội xem xét, đồng thời đề nghị đưa 6 dự án luật vào Chương trình cho ý kiến tại kỳ họp thứ hai, Quốc hội khóa XV trình Quốc hội cho ý kiến.
Duy Tiến
Ý kiến bạn đọc