Multimedia Đọc Báo in

Quốc hội thảo luận, giải trình, tiếp thu ý kiến các dự án luật

18:10, 21/05/2020

Ngày 21-5, tiếp tục chương trình Kỳ họp thứ chín, Quốc hội khóa XIV, Quốc hội đã nghe các Tờ trình, Báo cáo thẩm tra, Báo cáo giải trình, tiếp thu và thảo luận trực tuyến các dự án luật gồm: Luật Biên phòng Việt Nam; Luật Doanh nghiệp (sửa đổi); Luật Người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng (sửa đổi); Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giám định tư pháp.

Các đại biểu Quốc hội (ĐBQH) cơ bản nhất trí về sự cần thiết ban hành Luật Biên phòng Việt Nam nhằm thể chế hóa đường lối, chính sách của Đảng về biên giới quốc gia, quy định của Hiến pháp về nhiệm vụ bảo vệ Tổ quốc; tiếp tục hoàn thiện pháp luật về tổ chức, hoạt động của Bộ đội Biên phòng nhằm khắc phục những hạn chế, vướng mắc, bất cập trong quá trình tổ chức thực hiện Pháp lệnh Bộ đội Biên phòng, nâng cao hiệu quả hoạt động, đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ trong tình hình mới.

Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân trao đổi với Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc bên lề phiên họp. Ảnh: quochoi.vn
Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân trao đổi với Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc bên lề phiên họp. Ảnh: quochoi.vn

Tuy nhiên, một số ý kiến cho rằng, cần quy định đầy đủ, cụ thể các chính sách mới và nội hàm của Luật Biên phòng Việt Nam cho phù hợp quan điểm của Đảng và yêu cầu thực tiễn; cần sắp xếp lại các chương, điều và chỉnh lý lại nội dung cho phù hợp, tránh mâu thuẫn, trùng lắp với quy định về xây dựng, quản lý, bảo vệ biên giới quốc gia tại các luật khác, nhất là Luật Biên giới quốc gia; bổ sung một số quy định về Bộ đội Biên phòng trên cơ sở thể chế hóa đầy đủ đường lối, chính sách của Đảng, kế thừa Pháp lệnh Bộ đội Biên phòng và luật hóa các quy định có liên quan đã thực hiện ổn định; bổ sung nghĩa vụ, trách nhiệm của cán bộ, chiến sĩ Bộ đội Biên phòng…

Bộ trưởng Bộ Quốc phòng Ngô Xuân Lịch, thừa ủy quyền của Thủ tướng Chính phủ trình bày Tờ trình về Dự án Luật Biên phòng Việt Nam.
Bộ trưởng Bộ Quốc phòng Ngô Xuân Lịch, thừa ủy quyền của Thủ tướng Chính phủ trình bày Tờ trình về Dự án Luật Biên phòng Việt Nam.

Dự thảo Luật Doanh nghiệp (sửa đổi) đã được các ĐBQH thảo luận, cho ý kiến tại Kỳ họp thứ tám, Quốc hội khóa XIV và Phiên họp thứ 43 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội. Tại kỳ họp này, các đại biểu nhất trí cao với báo cáo giải trình, tiếp thu về sự cần thiết sửa đổi, bổ sung Luật Doanh nghiệp nhằm bảo đảm tính đồng bộ của hệ thống pháp luật, tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc trong quá trình thực thi pháp luật. Qua đó, tiếp tục hoàn thiện thể chế, góp phần cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, cắt giảm thủ tục hành chính, cắt giảm chi phí cho doanh nghiệp; nâng cao chất lượng tổ chức quản trị doanh nghiệp, bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của cổ đông, nhà đầu tư khi tham gia đầu tư kinh doanh tại doanh nghiệp.

Tuy nhiên, nhiều ý kiến cho rằng, việc đưa hộ kinh doanh vào dự thảo luật là không phù hợp vì hộ kinh doanh không phải là doanh nghiệp nên không thuộc phạm vi điều chỉnh và đối tượng áp dụng của luật; cần có nghiên cứu kỹ lưỡng, đánh giá thực tiễn nhằm tránh những tác động bất lợi tới hoạt động của các hộ kinh doanh…

Các đại biểu tham dự phiên họp tại điểm cầu tỉnh Đắk Lắk. Ảnh: D.Tiến
Các đại biểu tham dự phiên họp tại điểm cầu tỉnh Đắk Lắk. Ảnh: D.Tiến

Các đại biểu cơ bản tán thành về sự cần thiết, mục tiêu và quan điểm chỉ đạo xây dựng Dự án Luật Người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng (sửa đổi) và đề nghị Ban soạn thảo quan tâm thêm tới việc tiếp tục rà soát thể chế đầy đủ các quan điểm, định hướng của Đảng về người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài, đặc biệt theo yêu cầu đẩy mạnh cải cách hành chính, nhất là đối với doanh nghiệp.

Ngoài ra, cần bảo đảm hài hòa trong việc quy định tăng cường quản lý nhà nước với việc thúc đẩy, phát triển hoạt động trong lĩnh vực này trên cơ sở nguyên tắc của thị trường; tập trung hoàn thiện hồ sơ dự án luật trên cơ sở tiếp thu ý kiến của ĐBQH, của cơ quan thẩm tra và tiếp tục tổ chức lấy ý kiến, nhất là đối tượng chịu tác động trực tiếp...

Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh, Trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh Y Biêr Niê trả lời phỏng vấn phóng viên báo chí.
Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh, Trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh Y Biêr Niê trả lời phỏng vấn báo chí.

Đối với Dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giám định tư pháp, các đại biểu cho rằng, đối với việc xã hội hóa hoạt động giám định tư pháp thì hiện nay Nghị quyết số 49-NQ/TW ngày 2-6-2005 của Bộ Chính trị về Chiến lược cải cách tư pháp đến năm 2020 đang được tổng kết để nghiên cứu sửa đổi toàn diện nên nội dung này sẽ được xem xét sau khi có kết luận của cơ quan có thẩm quyền.

Về ý kiến đề nghị mở rộng quyền trực tiếp yêu cầu giám định tư pháp thì Khoản 1, Điều 22 Luật Giám định tư pháp hiện hành và các luật về tố tụng đã quy định đầy đủ quyền của đương sự trong việc yêu cầu giám định. Về điều kiện thành lập Văn phòng giám định tư pháp thì ngoài quy định là 3 năm như dự thảo luật, cần phải hoạt động thường xuyên trong lĩnh vực giám định tư pháp…

Duy Tiến


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.