Multimedia Đọc Báo in

Bệnh viện Đa khoa vùng Tây Nguyên cách ly, điều trị nhiều trường hợp mắc bệnh bạch hầu

16:58, 22/06/2020

Tiến sĩ, Bác sĩ Trần Thị Thúy Minh, Trưởng khoa Nhi tổng hợp, Bệnh viện Đa khoa vùng Tây Nguyên cho biết, khoa đang điều trị tích cực cho 2 trường hợp mắc bệnh bạch hầu ác tính viêm cơ tim cấp tính nặng và 12 trường hợp nghi ngờ mắc bệnh được chuyển đến từ tỉnh Đắk Nông.

Cụ thể, từ 20-6 đến nay, Khoa Nhi tổng hợp tiếp nhận 14 trường hợp (gồm 13 trẻ em và 1 người lớn 65 tuổi) chuyển đến từ 3 ổ dịch bạch hầu ở tỉnh Đắk Nông (2 ổ dịch ở xã Quảng Hòa, huyện Đắk Glong và 1 ổ dịch ở xã Đắk Sô, huyện Krông Nô). Qua kiểm tra, xét nghiệm đã phát hiện 2 trường hợp dương tính với bệnh bạch hầu là 1 trẻ em và 1 người lớn 65 tuổi. Hai bệnh nhân này mắc bệnh bạch hầu ác tính viêm cơ tim cấp tính rất nặng. Các trường hợp còn lại đang được theo dõi tại một khu cách ly riêng biệt và lấy mẫu xét nghiệm. 

Khu vực các ly điều trị các trường hợp mắc bệnh bạch hầu tại khoa Nhi tổng hợp, Bệnh viện Đa khoa vùng Tây Nguyên.
Khu vực cách ly điều trị các trường hợp mắc bệnh bạch hầu tại Khoa Nhi tổng hợp, Bệnh viện Đa khoa vùng Tây Nguyên.

Trước đó, trong hai ngày 6 và 7-6, Khoa Nhi tổng hợp cũng tiếp nhận 2 trẻ em nghi mắc bệnh bạch hầu vào điều trị. 2 trường hợp này ở tại Trung tâm Bảo trợ xã hội Nhà May Mắn (huyện Krông Nô, tỉnh Đắk Nông). Sau khi xét nghiệm xác định cả 2 trường hợp đều dương tính với bệnh bạch hầu, khoa đã tổ chức cách ly điều trị theo đúng phác đồ quy định; đồng thời cho người nhà bệnh nhân và những bác sĩ, y tá, nhân viên bệnh viện tham gia thăm khám, điều trị cho hai bệnh nhân trên uống thuốc dự phòng để phòng chống lây nhiễm chéo .

Tiến sĩ, Bác sĩ Trần Thị Thúy Minh khuyến cáo, bệnh bạch hầu có tốc độ lây lan nhanh, xảy ra những biến chứng nguy hiểm và dễ gây tử vong, đặc biệt bệnh thường xảy ra ở trẻ em dưới 15 tuổi. Do đó, để phòng chống bệnh bạch hầu, các bậc phụ huynh cần cho trẻ tiêm vắc xin phòng bệnh đầy đủ và tiêm nhắc lại đúng thời gian quy định.

Được biết, tháng 8-2019, trên địa bàn tỉnh Đắk Lắk cũng xuất hiện một ổ dịch bạch hầu tại xã Ea H’Đing, huyện Cư M'gar khiến một trẻ tử vong và 3 người khác bị lây nhiễm.

Kim Oanh

 


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.