Multimedia Đọc Báo in

Đoàn công tác của Bộ NN-PTNT thăm một số mô hình nông nghiệp ở Đắk Lắk

18:48, 21/06/2020

Chiều 21-6, Đoàn công tác của Bộ NN-PTNT do Ủy viên Trung ương Đảng, Bộ trưởng Bộ NN-PTNT Nguyễn Xuân Cường làm Trưởng đoàn đã đến tham quan thực tế một số mô hình sản xuất cà phê bền vững tại huyện Cư M’gar.

Cùng đi với Đoàn có Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy Bùi Văn Cường; Phó Chủ tịch UBND tỉnh Y Giang Gry Niê Knơng và lãnh đạo các sở, ban, ngành liên quan.

ảnh
Bộ trưởng Bộ NN-PTNT Nguyễn Xuân Cường (thứ 2 từ phải sang) và Bí thư Tỉnh ủy Bùi Văn Cường (bìa phải) tham quan mô hình cà phê trồng xen cây ăn quả tại huyện Cư M'gar. Ảnh: H.Gia

Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường và Đoàn công tác đã đến thăm các mô hình cà phê trồng xen cây ăn trái; mô hình cà phê tái canh ứng dụng công nghệ cao theo quy trình kỹ thuật Brazil tại thôn 7, xã Ea Kpam và mô hình tái canh cà phê của Công ty Cổ phần Cà phê Ea Pốk. Đây là những mô hình cà phê cho hiệu quả kinh tế cao, thích ứng với điều kiện biến đổi khí hậu hiện nay.

ảnh
Bộ trưởng Bộ NN-PTNT Nguyễn Xuân Cường và Đoàn công tác tham quan mô hình cà phê ứng dụng công nghệ cao tại tại thôn 7, xã Ea Kpam. Ảnh: H.Gia

Tại buổi tham quan, Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường đánh giá cao hiệu quả của các mô hình kinh tế cũng như sự năng động, sáng tạo của nông dân Đắk Lắk. Bộ trưởng nhấn mạnh, Đắk Lắk là tỉnh có diện tích cà phê lớn nhất nước, tuy nhiên diện tích cà phê già cỗi cũng chiếm tỷ lệ cao. Do đó, Đắk Lắk cần chú ý đến công tác tái canh cà phê bằng những giải pháp như: đưa các giống mới cho năng suất cao vào thay thế giống cũ; ứng dụng khoa học công nghệ; lựa chọn tổ hợp cây ăn quả làm cây che bóng cho vườn cà phê để tăng hiệu quả kinh tế kép trên vườn cây… Điều đáng mừng là các giải pháp trên đang được nhiều địa phương ở Đắk Lắk thực hiện tốt, góp phần thực hiện có hiệu quả tái cơ cấu ngành Nông nghiệp. Thời gian tới, để phát triển ngành hàng cà phê gắn với tái cơ cấu nông nghiệp, tỉnh Đắk Lắk cần nhân rộng những mô hình sản xuất hiệu quả, chất lượng cao ra diện rộng hơn nữa. Đồng thời chú trọng liên kết trong sản xuất nông nghiệp nhằm tìm thị trường tiêu thụ ổn định và nâng cao giá trị cà phê nói riêng, các sản phẩm nông sản của tỉnh nói chung. Đặc biệt, Đắk Lắk cần tiếp tục quan tâm thu hút đầu tư vào ngành chế biến để gia tăng giá trị cho các sản phẩm nông nghiệp và ổn định sản xuất...

ảnh
Bộ trưởng Bộ NN-PTNT Nguyễn Xuân Cường và Đoàn công tác tham quan mô hình tái canh cà phê của Công ty Cổ phần Cà phê Ea Pốk. Ảnh: H.Gia

Được biết, hiện tại Đắk Lắk đã tái canh được khoảng 32.000 ha cà phê, đạt 75% kế hoạch. Những mô hình trồng xen cây ăn quả trong vườn cà phê tái canh hiện nay đang được các hộ dân áp dụng khá thành công. Tổng diện tích trồng xen trong vườn cà phê khoảng gần 40.000 ha, chiếm 19,3% diện tích trồng cà phê toàn tỉnh. Việc trồng xen trong vườn cà phê đã mang lại hiệu quả kinh tế cao, tăng thu nhập trên một đơn vị diện tích canh tác (gấp từ 3 - 5 lần so với trồng thuần cà phê), giúp sản xuất mang tính bền vững.

Minh Thuận

Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.