Multimedia Đọc Báo in

Hòa giải ở cơ sở là một bộ phận của công tác dân vận

17:25, 13/07/2020

Sáng 13-7, Ban Dân vận Trung ương, Đảng đoàn MTTQ Việt Nam, Ban Cán sự Đảng TAND Tối cao và Ban Cán sự Đảng Bộ Tư pháp cùng phối hợp tổ chức Hội nghị trực tuyến với 63 điểm cầu tại các tỉnh, thành phố trong cả nước về công tác dân vận trong hoạt động hòa giải.

Dự hội nghị có các đồng chí: Trương Thị Mai, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Dân vận Trung ương; Trần Thanh Mẫn, Bí thư Trung ương Đảng, Bí thư Đảng đoàn, Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam; Nguyễn Hòa Bình, Bí thư Trung ương Đảng, Bí thư Ban cán sự đảng, Chánh án TAND Tối cao; Vũ Đức Đam, Phó Thủ tướng Chính phủ, Phó Trưởng Ban Chỉ đạo Trung ương về thực hiện Quy chế dân chủ cơ sở; Lê Thành Long, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Ban cán sự Đảng, Bộ trưởng Bộ Tư pháp.

Tham dự hội nghị tại điểm cầu tỉnh Đắk Lắk có các đồng chí: H’Kim Hoa Byă, Trưởng Ban Dân vận Tỉnh ủy, Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh; Võ Văn Cảnh, Phó Chủ tịch UBND tỉnh, cùng đại diện lãnh đạo các sở, ngành, đơn vị liên quan.

sd
Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Dân vận Trung ương Trương Thị Mai phát biểu tại hội nghị. (Ảnh chụp qua màn hình)

Theo đánh giá tại hội nghị, qua 6 năm thực hiện Luật Hòa giải ở cơ sở (được Quốc hội thông qua ngày 20-6-2013 và có hiệu lực thi hành kể từ ngày 1-1-2014), công tác quản lý nhà nước về hòa giải ở cơ sở đã được hình thành đồng bộ từ Trung ương đến địa phương; đội ngũ hòa giải viên ở cơ sở và tổ hòa giải được củng cố, kiện toàn, nâng cao chất lượng.

Đến hết năm 2019, cả nước có 96.605 tổ hòa giải với 600.462 hòa giải viên. Kỹ năng, nghiệp vụ hòa giải ở cơ sở được nâng lên thông qua việc cung cấp tài liệu, bồi dưỡng, tập huấn và tổ chức thi hòa giải viên giỏi. Trong 6 năm qua, tổ hòa giải ở cơ sở trên cả nước đã tiến hành hòa giải 875.312 vụ, việc; hòa giải thành 707.945 vụ, việc (đạt tỷ lệ 80,9%); hòa giải không thành 167.367 vụ, việc. Trung bình mỗi năm, các tổ hòa giải ở cơ sở trên pham vi cả nước đã tiến hành hòa giải trên 140.000 vụ, việc và hòa giải thành trên 120.000 vụ, việc.

Thông qua công tác hòa giải cơ sở, những tranh chấp, bất đồng phát sinh tại cơ sở đã được giải quyết kịp thời, không để kéo dài, hạn chế đáng kể tình trạng khiếu kiện ra cơ quan nhà nước, khiếu kiện vượt cấp; góp phần nâng cao hiệu quả công tác dân vận. Đồng thời qua đó, các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước đã đi vào cuộc sống, nâng cao nhận thức pháp luật của nhân dân, hình thành ý thức, thói quen tự giác, chấp hành pháp luật, góp phần giữ gìn an ninh trật tự, an toàn xã hội.

sd
Các đại biểu tham dự hội nghị tại điểm cầu tỉnh Đắk Lắk

Tuy nhiên, công tác hòa giải ở cơ sở vẫn còn tồn tại một số hạn chế như: một số quy định của Luật Hòa giải ở cơ sở không còn phù hợp với thực tiễn; chất lượng của đội ngũ hòa giải viên ở cơ sở chưa đồng đều; sự phối hợp giữa các cơ quan, đoàn thể trong việc thực hiện Luật Hòa giải ở cơ sở tại một số địa phương chưa chặt chẽ; nhiều địa phương chưa bố trí đủ nguồn lực bảo đảm triển khai công tác hòa giải ở cơ sở…

Phát biểu kết luận hội nghị, đồng chí Lê Thành Long, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Ban cán sự Đảng, Bộ trưởng Bộ Tư pháp khẳng định, mục tiêu cao nhất và cuối cùng của công tác hòa giải là nhằm hóa giải các tranh chấp, giữ gìn, bảo vệ mối đoàn kết trong cộng đồng dân cư. Đây cũng chính là mục tiêu của công tác dân vận. Theo đó, các cấp ủy đảng, chính quyền cần quan tâm hơn nữa về công tác hòa giải cơ sở, coi đây là phương thức phổ biến, giáo dục pháp luật hiệu quả để lãnh đạo, chỉ đạo theo tinh thần có sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, trong đó coi hòa giải ở cơ sở là một bộ phận của công tác dân vận; thực hiện tốt công tác hòa giải ở cơ sở là góp phần thực hiện tốt công tác dân vận và ngược lại. Tiếp tục hoàn thiện thể chế, chính sách về công tác hòa giải ở cơ sở. Đa dạng hóa các nguồn lực xã hội trong công tác hòa giải cơ sở, đặc biệt là nguồn nhân lực có kinh nghiệm và hiểu biết pháp luật trong giải quyết tranh chấp như đội ngũ luật sư, luật gia, cán bộ, công chức đã từng công tác trong lĩnh vực pháp luật.

Lê Thành


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.