Multimedia Đọc Báo in

Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc làm việc với Ban Thường vụ Tỉnh ủy Đắk Lắk

20:39, 28/09/2020
Chiều 28-9, Đoàn công tác của Chính phủ do đồng chí Nguyễn Xuân Phúc, Ủy viên Bộ Chính trị, Thủ tướng Chính phủ dẫn đầu đã có buổi làm việc với Ban Thường vụ Tỉnh ủy Đắk Lắk.
 
Tiếp và làm việc với Đoàn có các đồng chí: Bùi Văn Cường, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy; Phạm Minh Tấn, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy; Y Biêr Niê, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh; Phạm Ngọc Nghị, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh; các đồng chí Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy; lãnh đạo các cơ quan tham mưu, giúp việc của Tỉnh ủy; đại diện các sở, ngành của tỉnh. 
 
4234
Ủy viên Bộ Chính trị, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc phát biểu ý kiến tại buổi làm việc với Ban Thường vụ Tỉnh ủy Đắk Lắk. Ảnh: H.Gia

Theo báo cáo tại buổi làm việc, trong 9 tháng đầu năm 2020, giá trị GRDP của tỉnh ước thực hiện 39.494 tỷ đồng (tăng 8,67% so với cùng kỳ năm 2019); giải ngân vốn kế hoạch năm 2020 đạt 45,98%. Tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ đạt 59.385 tỷ đồng (bằng 71,85% kế hoạch, tăng 0.02%). Kim ngạch xuất khẩu đạt 405 triệu USD (giảm 4,03% so với cùng kỳ). Tổng thu ngân sách nhà nước ước đạt 5.632 tỷ đồng (bằng 88,9% dự toán Trung ương giao, tăng 14,02% so với cùng kỳ). Công tác thu hút đầu tư được đẩy mạnh, đã cấp chủ trương đầu tư cho 20 dự án mới với tổng vốn đăng ký trên 1.638 tỷ đồng. Huy động vốn đầu tư toàn xã hội đạt 19.608 tỷ đồng (tăng 9,26% so với cùng kỳ). Lĩnh vực văn hóa - xã hội được quan tâm, quốc phòng - an ninh được củng cố, giữ vững ổn định.

Công tác xây dựng tổ chức đảng, tổ chức cán bộ, nâng cao chất lượng đảng viên tiếp tục được quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo. UBND tỉnh đã thành lập Ban Chỉ đạo xử lý, tháo gỡ khó khăn trong sản xuất, kinh doanh, đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công, triển khai thực hiện các dự án đầu tư, bảo đảm an sinh xã hội, thực hiện nghiêm túc các chương trình, chính sách hỗ trợ của Chính phủ, của tỉnh. 

4234
Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy Đắk Lắk Bùi Văn Cường nêu các kiến nghị, đề xuất tại buổi làm việc. Ảnh: Hoàng Gia
 
Thực hiện Chỉ thị số 35-CT/TW, ngày 30-5-2019 của Bộ Chính trị về “Đại hội đảng bộ các cấp tiến tới Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng”, Ban Thường vụ Tỉnh ủy đã lãnh đạo, chỉ đạo, tổ chức quán triệt, triển khai thực hiện.
 
Dự thảo các văn kiện và phương án nhân sự trình Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh Đắk Lắk lần thứ XVII, nhiệm kỳ 2020 – 2025 đã được Thường trực Ban Bí thư Trần Quốc Vượng cho ý kiến và cơ bản đạt yêu cầu, đủ điều kiện để tổ chức đại hội. Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh lần thứ XVII sẽ diễn ra trong 3 ngày, từ 13-10 đến 15-10-2020. 
 
4234
Ủy viên Bộ Chính trị, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc trao 100 căn nhà của ngành Ngân hàng tặng hộ nghèo tỉnh Đắk Lắk. Ảnh: Hoàng Gia

Tại buổi làm việc, Ban Thường vụ Tỉnh ủy đã nêu các kiến nghị, đề xuất với Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ: cho chủ trương mở rộng địa giới hành chính TP. Buôn Ma Thuột và cho phép thuê tư vấn nước ngoài để xây dựng quy hoạch Buôn Ma Thuột xứng tầm với đô thị trung tâm vùng Tây Nguyên; có chính sách của Trung ương về khuyến khích và ưu đãi đầu tư TP. Buôn Ma Thuột nói riêng và cho vùng Tây Nguyên nói chung theo hướng kéo dài thời gian miễn, giảm tiền thuê đất hoặc theo hướng thành phố được ưu đãi đầu tư nhằm thu hút các doanh nghiệp lớn trong và ngoài nước; ưu tiên bố trí vốn từ nguồn ngân sách Trung ương, bổ sung có mục tiêu cho ngân sách TP. Buôn Ma Thuột trong kế hoạch hằng năm và giai đoạn để thực hiện các công trình, dự án giao thông, hạ tầng đô thị trọng điểm theo danh mục dự án đề xuất với tổng nguồn vốn giai đoạn 2021 – 2025 là 3.100 tỷ đồng; cho tỉnh cơ chế đặc thù được sử dụng diện tích đất lâm nghiệp nhưng không còn rừng và không có quy hoạch trồng lại rừng để bố trí đất ở và đất sản xuất cho hộ đồng bào dân tộc thiểu số thực sự thiếu đất và tái định cư tại chỗ đối với dân di cư tự do… 

Ban Thường vụ Tỉnh ủy cũng kiến nghị Bộ Kế hoạch và Đầu tư phối hợp với các bộ, ngành Trung ương sớm đưa vào quy hoạch và bố trí vốn chuẩn bị đầu tư để triển khai các dự án trọng điểm như đường cao tốc Buôn Ma Thuột – Nha Trang, các dự án đầu tư xây dựng tuyến giao thông kết nối vùng, phát triển Cảng hàng không Buôn Ma Thuột thành cảng hàng không quốc tế, xây dựng cơ sở hạ tầng cửa khẩu Đắk Ruê…;

4234

Ban Thường vụ Tỉnh ủy Đắk Lắk tặng quà lưu niệm cho Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc. Ảnh: Hoàng Gia

 
Phát biểu tại buổi làm việc, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đánh giá cao tinh thần đoàn kết, nỗ lực khắc phục khó khăn của tỉnh để phát triển kinh tế đạt mức tăng trưởng khá; thu hút đầu tư, thu ngân sách đạt và vượt kế hoạch, quốc phòng – an ninh đảm bảo ổn định. Công tác chuẩn bị đại hội đảng chu đáo.
 
Thủ tướng đề nghị Đắk Lắk cần quan tâm hơn nữa đến công tác an sinh xã hội, bảo đảm đời sống người dân; nỗ lực hoàn thành tốt các chỉ tiêu, nhiệm vụ năm 2020; tiếp tục rà soát, hoàn thiện các phương án, kịch bản chỉ đạo đại hội, chuẩn bị chu đáo phương án nhân sự để bầu được ban chấp hành, ban thường vụ tâm huyết, đoàn kết cùng xây dựng tỉnh Đắk Lắk phát triển. Ban Thường vụ Tỉnh ủy cần chủ động triển khai xây dựng đô thị Buôn Ma Thuột phát triển mạnh mẽ, toàn diện, xứng tầm đô thị trung tâm vùng Tây Nguyên; tranh thủ sự hỗ trợ của Trung ương, thu hút các nguồn lực đầu tư để thực hiện mục tiêu đề ra…
 
4234
Ủy viên Bộ Chính trị, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc trồng cây lưu niệm tại trụ sở Tỉnh ủy. Ảnh: Hoàng Gia

Nhân dịp này, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã tặng 100 căn nhà của ngành ngân hàng cho người nghèo trên địa bàn tỉnh Đắk Lắk

Nguyễn Xuân
 

Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.