Thực hiện Đề án "Triển khai, áp dụng và quản lý hệ thống truy xuất nguồn gốc" trên địa bàn tỉnh
Theo Kế hoạch thực hiện Đề án "Triển khai, áp dụng và quản lý hệ thống truy xuất nguồn gốc" trên địa bàn của UBND tỉnh, đến năm 2025, xây dựng 5 - 7 mô hình áp dụng hệ thống truy xuất nguồn gốc các sản phẩm như: rau quả, mật ong, cà phê bột, hạt tiêu, hạt điều, lâm sản…
Trên cơ sở đó, nhân rộng với tất cả các sản phẩm nông lâm sản chủ lực và các sản phẩm, hàng hóa của OCOP.
Cùng với đó, có tối thiểu 25% doanh nghiệp (đến năm 2030 có 50% doanh nghiệp) hoạt động trong lĩnh vực sản xuất, kinh doanh, dịch vụ của tỉnh sử dụng mã số, mã vạch có hệ thống truy xuất nguồn gốc đủ điều kiện kết nối với Cổng thông tin truy xuất nguồn gốc sản phẩm, hàng hóa quốc gia. Xây dựng hệ thống quản lý thông tin truy xuất nguồn gốc của tỉnh và phát triển hạ tầng kỹ thuật cần thiết cho việc kết nối với Cổng thông tin truy xuất nguồn gốc sản phẩm, hàng hóa quốc gia. Đến năm 2030 hoàn thiện việc xây dựng, áp dụng quản lý và cập nhật cơ sở dữ liệu sản phẩm, hàng hóa được sản xuất trong tỉnh vào hệ thống thông tin truy xuất nguồn gốc sản phẩm, hàng hóa của tỉnh; đồng thời, kết nối với Cổng thông tin truy suất nguồn gốc sản phẩm, hàng hóa quốc gia.
Nông dân thị xã Buôn Hồ với mô hình trồng bơ sạch hướng đến áp dụng việc truy xuất nguồn gốc sản phẩm. (Ảnh minh họa) |
Để triển khai thực hiện hiệu quả, UBND tỉnh yêu cầu các sở, ngành liên quan thông tin tuyên truyền, phổ biến, xây dựng, triển khai và ứng dụng hệ thống truy xuất nguồn gốc sản phẩm, hàng hóa; nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước về truy xuất nguồn gốc sản phẩm, hàng hóa trong sản xuất, kinh doanh; nghiên cứu, áp dụng các công nghệ mới để nâng cao hiệu quả hoạt động truy xuất nguồn gốc; tăng cường xã hội hóa, tận dụng các nguồn lực trong việc triển khai thực hiện…
Thúy Hồng
Ý kiến bạn đọc