Multimedia Đọc Báo in

Dự án của học sinh Trường Tiểu học, THCS, THPT Hoàng Việt đoạt giải Nhất "Ngày hội khởi nghiệp quốc gia của học sinh, sinh viên năm 2020"

14:40, 23/12/2020

Ngày 22-12, tại Thủ đô Hà Nội, Bộ Giáo dục và Đào tạo tổ chức Lễ bế mạc và trao giải "Ngày hội khởi nghiệp quốc gia của học sinh, sinh viên năm 2020”, trong đó giải Nhất khối học sinh THCS, THPT được trao cho Dự án “Sản xuất và kinh doanh ống hút dùng một lần từ hạt bơ” của nhóm học sinh Trường Tiểu học, THCS, THPT Hoàng Việt (TP.Buôn Ma Thuột).

Trước đó, dự án này được phát triển từ kết quả dự án nghiên cứu khoa học “Sản xuất thìa, đĩa dùng một lần làm từ hạt bơ” của nhóm học sinh khối THPT tại trường Hoàng Việt, đã từng đoạt giải Ba Cuộc thi Khoa học Kỹ thuật cấp quốc gia được tổ chức tại thành phố Đà Nẵng tháng 6-2020.

ggg 
Nhóm tác giả Dự án “Sản xuất và kinh doanh ống hút dùng một lần từ hạt bơ” nhận giải thưởng

Dưới sự hướng dẫn của cô Lê Thị Hoàng Phương (giáo viên bộ môn Sinh học) nhóm đã dành ra 6 tháng để nghiên cứu, hoàn thiện sản phẩm. Vượt qua hơn 200 dự án đến từ các trường THPT của 63 tỉnh, thành phố trong cả nước, dự án “Sản xuất và kinh doanh ống hút dùng một lần từ hạt bơ” của nhóm đã xuất sắc giành giải Nhất chung cuộc khối học sinh THCS, THPT.

ggg
Hình ảnh của sản phẩm

Dự án “Sản xuất và kinh doanh ống hút dùng một lần từ hạt bơ” sử dụng 100% nguyên liệu tự nhiên, trong đó hạt bơ là thành phần chính và đã được kiểm định bởi các cơ quan chuyên môn theo tiêu chuẩn Bộ Y tế. Sản phẩm phân hủy hoàn toàn sau 2 - 3 tháng trong môi trường tự nhiên sau khi sử dụng. Đây là dòng sản phẩm thân thiện với môi trường, phù hợp với xu hướng phát triển hiện nay trên thế giới, thay đổi thói quen sử dụng ống hút nhựa, góp phần giúp bảo vệ môi trường và sức khỏe con người, đồng thời nâng cao giá trị quả bơ cho tỉnh Đắk Lắk nói riêng và cả nước nói chung.

ggg
Thầy cô và nhóm học sinh Trường Hoàng Việt tại gian hàng trưng bày của sản phẩm tại ngày hội

Đoạt giải Nhất tại "Ngày hội khởi nghiệp Quốc gia của học sinh, sinh viên năm 2020” cho thấy thành công bước đầu của việc áp dụng giáo dục STEM vào công tác giảng dạy trong nhà trường cũng như việc tạo môi trường cho học sinh được tham gia nghiên cứu khoa học, phát huy ý tưởng của mình.

Mai Sao


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.