Multimedia Đọc Báo in

Lễ phát động Dự án "Đến trường an toàn" cho học sinh tại Đắk Lắk

16:44, 09/12/2020
Sáng 9-12, tại Trường Tiểu học Nguyễn Viết Xuân (phường Tân An, TP. Buôn Ma Thuột), Công ty TNHH Bảo hiểm nhân thọ Prudential Việt Nam và Quỹ Phòng, chống thương vong châu Á (AIP) phối hợp với Ủy ban An toàn giao thông (ATGT) quốc gia, Bộ Giáo dục và Đào tạo và các đối tác địa phương tại tỉnh Đắk Lắk tổ chức Lễ phát động Dự án “Đến trường an toàn”.
 
Tham dự Lễ phát động có Phó Chánh Văn phòng Ủy ban ATGT quốc gia Trịnh Thu Hà; Phó Chủ tịch UBND tỉnh, Phó trưởng Ban Thường trực Ban ATGT tỉnh Đắk Lắk Võ Văn Cảnh; Tổng Giám đốc Công ty TNHH Bảo hiểm nhân thọ Prudential Việt Nam Phương Tiến Minh; đại diện lãnh đạo các sở, ban, ngành hữu quan của tỉnh cùng đông đảo giáo viên, học sinh Trường Tiểu học Nguyễn Viết Xuân. 
 
1
Phó Chủ tịch UBND tỉnh, Phó trưởng Ban Thường trực Ban ATGT tỉnh Đắk Lắk Võ Văn Cảnh phát biểu tại Lễ phát động.
 
Tại buổi lễ phát động đã diễn ra nhiều hoạt động như: phát mũ bảo hiểm miễn phí cho học sinh; hướng dẫn đội mũ bảo hiểm đúng cách, thực hành theo điệu nhảy tập thể “Đủ 3 bước - rước bình an” cùng một số trò chơi tương tác xoay quanh chủ đề ATGT. 
 
1
Đại biểu tham dự Lễ phát động.
 
Được biết, Dự án “Đến trường an toàn” nằm trong khuôn khổ của Chương trình SAFE STEPS Kids, được phát triển bởi Quỹ Prudence Foundation, phối hợp cùng hãng phim hoạt hình Cartoon Network và Liên đoàn Chữ thập đỏ và Trăng lưỡi liềm đỏ quốc tế (IFRC). Chương trình đặt mục tiêu nâng cao nhận thức về các kỹ năng an toàn với nội dung và hình ảnh được thiết kế đặc biệt dành riêng cho đối tượng trẻ em. Tới nay, chương trình đã được triển khai tại một số quốc gia trong khu vực châu Á là Indonesia, Malaysia, Singapore.
 
Đây là năm đầu tiên SAFE STEPS Kids được triển khai tại Việt Nam. 
 
1
Các đại biểu và đại diện đơn vị tổ chức tặng mũ bảo hiểm cho học sinh Trường Tiểu học Nguyễn Viết Xuân.
 
Dự án “Đến trường an toàn” được triển khai trong năm học 2020 - 2021 tại hai tỉnh Bắc Giang và Đắk Lắk với 4 hợp phần chính gồm: giáo dục kiến thức toàn diện cho học sinh về ATGT đường bộ; trang bị mũ bảo hiểm chất lượng cao cho học sinh; cải tạo cơ sở hạ tầng giao thông tại khu vực xung quanh trường học; thực hiện chiến dịch truyền thông nâng cao nhận thức cộng đồng. Dự án sẽ tiếp cận tới hơn 2.700 học sinh tiểu học, hơn 100 giáo viên, 4.200 phụ huynh...
 
1
Các em học sinh hào hứng với phần thi hỏi, đáp kiến thức về ATGT.
 
Phát biểu tại lễ phát động, Phó Chủ tịch UBND tỉnh, Phó trưởng Ban Thường trực Ban ATGT tỉnh Đắk Lắk Võ Văn Cảnh cho biết, tỉnh Đắk Lắk hiện có 1.015 trường học với 486.744 học sinh. Hằng năm, tỷ lệ trẻ em tử vong do tai nạn thương tích chiếm 24 - 26%; trong đó tai nạn giao thông là nguyên nhân đứng thứ hai đối với trẻ em trong độ tuổi từ 4 - 15; hệ thống giao thông đường bộ trên địa bàn tỉnh còn nhiều hạn chế, mật độ người và phương tiện tham gia giao thông ngày càng đông, tiềm ẩn nguy cơ xảy ra tai nạn giao thông cao. Thời gian qua, các cấp, ngành trên địa bàn tỉnh đã và đang triển khai đồng bộ nhiều giải pháp, trong đó xác định công tác giáo dục ATGT trong trường học có ý nghĩa hết sức quan trọng, giúp các em học sinh hình thành thói quen tốt khi tham gia giao thông, góp phần bảo đảm ATGT cho chính các em cũng như cho cả cộng đồng. Dự án này là cơ hội để học sinh được trang bị thêm kiến thức, kỹ năng về ATGT đường bộ, giúp các em hạn chế nguy cơ va chạm giao thông, đồng thời nâng cao nhận thức về ATGT đường bộ, tạo chuyển biến tích cực trong việc bảo đảm trật tự ATGT, nhất là tại các cổng trường học. Rất mong thời gian tới, Quỹ Phòng, chống thương vong châu Á cùng các đơn vị tài trợ sẽ tiếp tục có sự hỗ trợ, đồng hành cùng Ban ATGT tỉnh để truyền thông rộng rãi các kiến thức và kỹ năng về ATGT tới các em học sinh trong toàn tỉnh. 

Thế Hùng

 


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.