Multimedia Đọc Báo in

Khẩn trương truy vết 24 trường hợp trên địa bàn tỉnh tiếp xúc gần với 2 bệnh nhân COVID-19

19:22, 22/06/2021

Chiều 22-6, thạc sĩ, bác sĩ Trịnh Quang Trí, Giám đốc Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh (CDC) cho biết, liên quan đến hai ca mắc COVID-19 là bệnh nhân 13.498 và 13.499, ghi nhận tại thành phố Hồ Chí Minh ngày 20-6 từng di chuyển đến một số địa điểm trên địa bàn tỉnh Đắk Lắk, CDC đã khẩn trương truy vết 24 trường hợp tiếp xúc gần để cách ly theo quy định.

Theo đó, khoảng lúc 20 giờ ngày 17-6-2021 hai bệnh nhân mã số 13.498 và 13.499 cùng một người bạn từ TP. Hồ Chí Minh đi tỉnh Kon Tum, khoảng 7 giờ ngày 18-6 có ghé quán Hồng 76 (địa chỉ Km 76, Quốc lộ 14, thôn Ea Đen, xã Ea Nam, huyện Ea H’Leo) để ăn sáng, sau đó đi sang tỉnh Kon Tum giao hàng. Khoảng 21 giờ ngày 18-6, trên đường quay về lại TP. Hồ Chí Minh, hai bệnh nhân nói trên ghé ăn tại quán bê thui Kiều Oanh (thôn 12, xã Hòa Phú, TP. Buôn Ma Thuột). 

Đến 5 giờ ngày 19-6 hai bệnh nhân về đến TP. Hồ Chí Minh và được lấy mẫu xét nghiệm. Ngày 20-6, cả hai có kết quả xét nghiệm dương tính với SARS-CoV-2 và được đưa vào Bệnh viện Trưng Vương, Quận 10, TP. Hồ Chí Minh để điều trị.

Cán bộ Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh lấy mẫu xét nghiệm SARS-CoV-2 đối với tài xế về từ TP. Hồ Chí Minh và một số tỉnh có dịch tại chốt kiểm soát dịch COVID-19 trên Quốc lộ 14.
Cán bộ Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh lấy mẫu xét nghiệm SARS-CoV-2 đối với tài xế về từ TP. Hồ Chí Minh và một số tỉnh có dịch tại chốt kiểm soát dịch COVID-19 trên Quốc lộ 14 (thuộc xã Hòa Phú, TP. Buôn Ma Thuột). 

Hiện CDC đã truy vết được 10 trường hợp tiếp xúc gần với 2 bệnh nhân tại quán Hồng 76 và 14 trường hợp tiếp xúc gần với bệnh nhân tại quán bê thui Kiều Oanh (trong đó có 8-9 trường hợp là công nhân làm việc tại khu công nghiệp Hòa Phú). Đồng thời tiến hành lấy mẫu test nhanh kháng nguyên đối với 24 trường hợp này, kết quả âm tính và đang tiếp tục làm xét nghiệm Realtime-PCR.

Kim Oanh

 


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.