Multimedia Đọc Báo in

Phát động chiến dịch tiêm chủng vắc xin phòng COVID-19 toàn quốc

15:50, 10/07/2021

Ngày 10-7, Bộ Y tế tổ chức lễ phát động triển khai Chiến dịch tiêm chủng vắc xin phòng COVID-19 toàn quốc. Ủy viên Bộ Chính trị, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đến dự và chỉ đạo tại lễ phát động. Tham dự lễ phát động tại điểm cầu Đắk Lắk có Chủ tịch UBND tỉnh Phạm Ngọc Nghị cùng các thành viên Ban Chỉ đạo phòng chống dịch COVID-19 của tỉnh.

Chiến dịch tiêm vắc xin phòng COVID-19 toàn quốc được triển khai từ tháng 7-2021 đến tháng 4-2022 tại tất cả cơ sở tiêm chủng đủ điều kiện ở tất cả các tuyến. Bộ Y tế đặt mục tiêu tối thiểu 50% người từ 18 tuổi trở lên được tiêm phòng vắc xin COVID-19 trong năm 2021; tới hết quý 1 năm 2022, trên 75 triệu người sẽ được tiêm vắc xin COVID-19. 

Chiến dịch tiêm chủng lần này có nhiều điểm mới so với các chiến dịch tiêm chủng trước đây, trong đó thiết lập hệ thống bảo quản, vận chuyển vắc xin dưới sự điều hành của Bộ Y tế và Bộ Quốc phòng. Vắc xin được đảm bảo chất lượng và vận chuyển nhanh nhất từ các kho trung tâm tại các Quân khu tới thẳng các điểm tiêm. Đồng thời thiết lập hệ thống giám sát chất lượng thông qua giám sát toàn bộ quy trình bảo quản, vận chuyển tổ chức tiêm và quản lý điều hành trực tuyến toàn bộ quá trình tiêm chủng.

Chiến dịch huy động tổng lực các lực lượng với hàng chục nghìn cơ sở y tế, hàng vạn cán bộ y tế và các lực lượng khác trong cả nước từ Trung ương và địa phương, gồm cả lực lượng dân y và quân y, cả công lập và tư nhân. Triển khai ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý tiêm chủng với việc đưa vào sử dụng Sổ sức khỏe điện tử để quản lý quá trình tiêm chủng của từng người dân.

Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính phát biểu tại lễ phát động. (Ảnh VGP)
Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính phát biểu tại lễ phát động. (Ảnh VGP)

Phát biểu chỉ đạo tại lễ phát động, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính khẳng định, Chiến dịch tiêm vắc xin phòng COVID-19 toàn quốc là sự kiện có ý nghĩa hết sức quan trọng, khẳng định quyết tâm cao của Đảng, Nhà nước và toàn dân trong việc kiềm chế, đẩy lùi dịch COVID-19, đưa đất nước trở lại bình thường để phát triển theo mục tiêu Đại hội XIII của Đảng đã đề ra.

Thủ tướng nhấn mạnh, không chỉ đất nước chúng ta, mà cả thế giới không thể lường trước diễn biến của dịch bệnh, đặc biệt là sự xuất hiện của biến thể Delta với tốc độ lây nhiễm nhanh hơn, mạnh hơn và gia tăng độ phức tạp, khó lường, khó dự báo hơn. Trong bối cảnh đó, vắc xin được coi là biện pháp hữu hiệu nhất để phòng chống đại dịch COVID-19. Ngay từ khi đại dịch bắt đầu, các đồng chí lãnh đạo Đảng và Nhà nước, các cơ quan, tổ chức liên quan đã bám sát tình hình dịch bệnh, lãnh đạo, chỉ đạo thường xuyên, kịp thời với các giải pháp phù hợp và linh hoạt, sáng tạo để kiểm soát dịch bệnh và phát triển kinh tế - xã hội đất nước. Chính vì vậy, Việt Nam là một trong số ít quốc gia trên thế giới vừa chống dịch hiệu quả vừa có tăng trưởng kinh tế dương kể từ khi có đại dịch đến nay.

Trong thời gian qua, nguồn cung vắc xin khan hiếm và nước ta thực hiện các biện pháp chống dịch hiệu quả cho nên không thuộc quốc gia được ưu tiên cung cấp vắc xin. Với sự nỗ lực của lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước, Chủ tịch Quốc hội, Thủ tướng Chính phủ, các cơ quan bộ ngành liên quan trong thực hiện ngoại giao vắc xin, nhất là việc nhập khẩu nhanh nhất, nhiều nhất có thể, chúng ta đã có cam kết, viện trợ, ký hợp đồng cung ứng hơn 100 triệu liều trong năm 2021. Việc chuyển giao công nghệ, nghiên cứu sản xuất vắc xin trong nước cũng đang đạt được những bước tiến rất tích cực. 

Các đại biểu tham dự lễ phát động tại điểm cầu Đắk Lắk
Các đại biểu tham dự lễ phát động tại điểm cầu Đắk Lắk.

Mục tiêu của Chiến lược vắc xin là tiêm miễn phí hằng năm cho nhân dân để đạt được miễn nhiễm cộng đồng trên cả nước. Để đạt mục tiêu đó, nước ta phải thực hiện được việc có đủ vắc xin cho nhân dân từ nguồn nhập khẩu và tự sản xuất trong nước.

Để thực hiện Chiến dịch tiêm chủng đạt hiệu quả, Thủ tướng yêu cầu phải tổ chức điều phối tiêm thật tốt. Trong đó, Bộ Y tế là nòng cốt phối hợp với các bộ, ngành, địa phương có liên quan, đặc biệt là lực lượng công an, quân đội, chính quyền địa phương, Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể chính trị - xã hội để tổ chức tiêm khoa học, đúng quy trình, hiệu quả. Đặc biệt trong thời gian tới, lượng vắc xin về nhiều, cần xây dựng kịch bản bảo quản, vận chuyển, phân phối, triển khai tiêm chủng nhanh chóng, kịp thời, an toàn nhất và hiệu quả nhất cho nhân dân.

Nhân dịp này, Thủ tướng kêu gọi sự đồng lòng, đoàn kết, ủng hộ và trách nhiệm cộng đồng của toàn thể nhân dân để chiến thắng dịch bệnh; không chủ quan sau tiêm mà vẫn cần thực hiện nghiêm túc các chỉ dẫn chuyên môn của Bộ Y tế, sự lãnh đạo của cấp ủy, chính quyền và sự vào cuộc của Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể nhân dân ở các cấp, các ngành. 

Kim Oanh

 

 

 


(Video) TP. Buôn Ma Thuột tiên phong trong cải cách hành chính
TP. Buôn Ma Thuột đang đẩy mạnh cải cách hành chính trên tất cả các ngành, lĩnh vực, địa phương, hướng tới xây dựng chính quyền số. Người dân cũng đã thay đổi, sẵn sàng đón nhận, trải nghiệm những công nghệ, dịch vụ mới và dần trở thành nhân tố tích cực tham gia vào quá trình chuyển đổi số.