Multimedia Đọc Báo in

Ngoại ô nỗ lực xóa nghèo

16:09, 30/04/2010

Với tốc độ tăng trưởng kinh tế đạt trên 13% trong những năm qua là tiền đề quan trọng giúp TP. Buôn Ma Thuột đẩy mạnh công tác xóa đói giảm nghèo ở địa phương, nhất là vùng ngoại ô, nơi có số đông hộ đồng bào dân tộc thiểu số.
Theo ông Huỳnh Ngọc Luân, Chủ tịch UBND thành phố thì số hộ nghèo còn lại 6% trên địa bàn đang rất cần sự đầu tư, quan tâm của Nhà nước trên các mặt : vốn, khoa học-kỹ thuật và cả cung cách làm ăn để phát triển kinh tế hộ gia đình. Vì vậy, cách đây ba năm (2007), Thành ủy Buôn Ma Thuột đã có Nghị quyết chuyên đề (số 04) về việc chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi ở những vùng ven đô, vùng đồng bào dân tộc thiểu số, nhằm giúp đỡ họ cải thiện đời sống. Sau khi triển khai Nghị quyết này, một số phường, xã ở ngoại ô đã chủ động phối hợp với các cơ quan chức năng xây dựng và thực hiện nhiều dự án, chương trình chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi phù hợp, đạt hiệu quả kinh tế cao. Chẳng hạn như xã Ea Tu, các phường Tân Thành, Ea Tam… có chương trình cải tạo vườn tạp để trồng các loại cây có giá trị như sầu riêng, bơ, mít. Xã Hòa Xuân có dự án trồng dâu nuôi tằm và các xã Cư Êbur, Ea Kao, Hòa Thuận phát triển mạnh mô hình chăn nuôi hươu, bò, heo hướng nạc, gà thả vườn… với qui mô sản xuất ngày càng lớn, theo hướng hàng hóa. Từ những mô hình phù hợp trên, đã có hàng trăm hộ gia đình ở ven đô, vùng đồng bào dân tộc thiểu số vươn lên thoát nghèo và từng bước có tích lũy để làm giàu.  Điển hình như chị H’Ni Ê ban (ở buôn Jù-Ea Tu), chị H’Tim (khối 6-phường Tân An), anh Y Líp Byă (buôn Buôr-Hòa Xuân), Yson Ê ban (buôn Dran-Khánh Xuân) đã trở thành những ông chủ, bà chủ của những trang trại VAC khá thành công với mức thu nhập bình quân trên 150 triệu đồng/năm. Anh Phạm Cảm-Chủ tịch Hội nông dân thành phố đánh giá: Có một thuận lợi cơ bản nhất để xóa nghèo cho người dân ven đô hiện nay là họ có quỹ đất tương đối dồi dào, chỉ cần hướng dẫn cho họ cung cách làm ăn hợp lý và khoa học thì chắc chắn vài ba năm nữa số hộ nghèo ở đây sẽ giảm đáng kể.
Có thể nói, Nghị quyết 04 của Thành ủy về chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi theo hướng hàng hóa là bước đi đúng hướng và sát thực nhất để rút ngắn khoảng cách giàu-nghèo giữa hai vùng cư dân nội thị và ven đô trong hiện tại cũng như tương lai. Có điều, để hướng đi này trở nên bền vững và ngày càng được nhân rộng đến tận hộ gia đình người nông dân, đặc biệt là hộ đồng bào dân tộc thiểu số trên 33 buôn thuộc 24 xã, phường của thành phố thì chính quyền địa phương phải có sự đầu tư lớn và thường xuyên hơn mới mong đạt những kết quả như mong đợi. Từ năm 2008 đến nay, kinh phí mà thành phố đầu tư để xây dựng và triển khai hơn 10 mô hình cải tạo vườn tạp và gần 20 mô hình kỹ thuật chăn nuôi trên địa bàn mới chỉ có hơn 2 tỷ đồng (trong đó bao gồm cả kinh phí tập huấn, chuyển giao khoa học-kỹ thuật cho bà con) là quá ít ỏi so với nhu cầu thực tế. Người dân ở những vùng ven đô rất cần kiến thức khoa học-kỹ thuật áp dụng vào đời sống sản xuất, nhưng kinh phí để đáp ứng nhu cầu ấy hiện còn quá eo hẹp. Vì vậy các chương trình, dự án có tính chất mô hình điểm về chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi được triển khai trong thời gian qua của thành phố đã hạn chế ít nhiều tính hiệu quả của nó, do không đủ sức hấp dẫn,  thu hút sự quan tâm của người dân .
Rõ ràng, cần có giải pháp phù hợp để xóa nghèo cho người dân ven đô. Một số ý kiến cho rằng, không nên triển khai ồ ạt và dàn trải các mô hình và dự án, mà nên tập trung đầu tư có trọng điểm cho từng địa bàn dựa trên khả năng và thế mạnh của từng vùng dân cư cụ thể. Sau đó lần lượt rút kinh nghiệm và nhân rộng, theo hướng bền vững lâu dài. Bên cạnh đó, công tác giảm nghèo trên từng địa phương cũng phải hướng đến các khía cạnh khác như đào tạo nghề, giải quyết việc làm cho người lao động tại chỗ…thì mới bảo đảm sự vững chắc và đồng bộ, tránh tình trạng bấp bênh, dẫn đến tái nghèo.

Phương Đình


Ý kiến bạn đọc