Qua 4 tháng thực hiện Quyết định 32 của UBND tỉnh:
Hướng đến mục tiêu rừng được bảo vệ tận gốc
14:31, 09/04/2010
Ngày 23-11-2009, UBND tỉnh Dak Lak đã ban hành QĐ 32 về Quy chế tổ chức hoạt động của Ban bảo vệ và phát triển rừng (BVVPTR) cấp xã. Đây là cơ sở pháp lý quan trọng để các cơ quan chức năng tăng cường thực hiện tốt công tác quản lý, bảo vệ rừng (QLBVR) ở cơ sở.
Đoàn Kiểm tra liên ngành của tỉnh kiểm tra công tác phòng chống cháy rừng ở huyện Ea Súp (Ảnh: Lê Hương) |
Qua thực tế triển khai QĐ trên cho thấy, nơi nào Ban BVVPTR hoạt động tích cực và có sự phối hợp đồng bộ với cơ quan chức năng và chính quyền sở tại thì vốn tài nguyên rừng ở đó không những khắc phục được tình trạng bị xâm hại, mà còn từng bước xây dựng và phát triển theo hướng tích cực hơn. Dựa vào hành lang pháp lý của QĐ 32, thời gian qua, các lực lượng chức năng ở các xã (có diện tích đất lâm nghiệp từ 500 ha trở lên) đã tích cực triển khai công tác phát triển và QLBVR một cách đúng hướng, phù hợp với yêu cầu nhiệm vụ đặt ra. Dak Lak hiện có 184 xã, phường đang quản lý, bảo vệ diện tích rừng tự nhiên, đất lâm nghiệp khá lớn- khoảng 168.000 ha. Vì vậy vai trò, nhiệm vụ của các Ban BVVPTR cấp xã, cùng kiểm lâm địa bàn là “hạt nhân” tham mưu cho chính quyền địa phương trong lĩnh vực sử dụng và quản lý Nhà nước về lâm nghiệp. Theo đánh giá của Sở NN-PTNT, những bất cập trong công tác QLBVR thời gian qua có sự buông lỏng và thiếu quan tâm của UBND cấp xã. Ông Nguyễn Văn Sinh-Phó giám đốc Sở NN-PTNT chỉ ra thời gian trước đây, hầu hết chính quyền cấp xã không nắm vững được số liệu cần thiết về tài nguyên rừng, những biến động của nó trước thực tế và yêu cầu xây dựng, phát triển đời sống kinh tế-xã hội trên địa bàn được quản lý. Từ đó dẫn đến việc theo dõi, bảo vệ và bố trí sử dụng tài nguyên rừng trong phát triển kinh tế-xã hội ở từng địa phương còn rất lúng túng. Chẳng hạn như ở các huyện Ea H’leo, Krông Buk... vấn đề quản lý, bảo vệ rừng thông dọc Quốc lộ 14 một thời thu hút mối quan tâm của nhiều người về hiệu quả cũng như tính khả thi của việc phân cấp trách nhiệm quản lý Nhà nước trong công tác QLBVR trên địa bàn theo Quyết định 245 của Thủ tướng Chính phủ. Qua thực tế cho thấy, các xã có diện tích rừng khá lớn như Ya Lốp, Cư K’bang, Ya Tờ Mốt, Ia-Rvê (huyện Ea Súp) hoặc Krông Na, Ea Tul, Ea Hoa (huyện Buôn Đôn) và một số xã có rừng thông dọc Quốc lộ 14 đi qua như Ea Drăng, Ea Nam, Cư Né... do nhận thức sai lệch “rừng là của Nhà nước” và “đã có người lo” nên trong thời gian dài đã để xảy ra tình trạng rừng trên địa bàn mình quản lý bị xâm hại, bao chiếm một cách nghiêm trọng. Nói về hạn chế này, ông Nguyễn Văn Hà, một thành viên trong Ban BVVPTR xã Cư K’bang cho rằng, QĐ 32 ban hành kịp thời, đúng lúc đã tạo điều kiện cho chính quyền địa phương thực hiện tốt trách nhiệm quản lý Nhà nước về rừng và đất rừng hiệu quả, dần khắc phục được tình trạng “cha chung không ai khóc” như trước đây. Tất nhiên, khi hạn chế này được khắc phục thì rừng sẽ được quản lý và sử dụng tốt hơn vào mục đích phát triển kinh tế-xã hội cho từng địa phương.
Chăm sóc rừng trồng (Ảnh: P.V) |
Phương Đình
Ý kiến bạn đọc