Dự án hỗ trợ bò cho hộ nghèo mang lại hiệu quả thiết thực
Từ năm 2007, Chương trình Heifer Việt Nam triển khai thực hiện dự án hỗ trợ bò cái sinh sản cho 58 hộ nghèo, đồng bào dân tộc thiểu số tại chỗ của xã Krông Na và xã Ea Huar (huyện Buôn Đôn). Dự án đã thực sự tạo cho bà con “chiếc cần câu”, góp phần tăng thu nhập, cải thiện cuộc sống.
Gia đình ông Y Ren Niê K’dăm là hộ nghèo của buôn Rếch B, tuy có vài sào đất trồng hoa màu nhưng do không có tiền đầu tư chăm sóc nên hiệu quả chẳng đáng là bao. Hai vợ chồng cũng tranh thủ đi làm thuê vào những lúc rảnh rỗi để nuôi 3 con ăn học song kinh tế cứ thiếu trước hụt sau. Năm 2007, Y Ren được nhận 2 con bò cái, lại được vay thêm 2 triệu đồng không tính lãi để trồng cỏ nuôi bò và đầu tư trồng hoa màu. Được cán bộ khuyến nông tận tình hướng dẫn kỹ thuật, cộng với sự chăm sóc tốt của gia đình đến nay, đàn bò của ông đã có tới 6 con. Theo cam kết, cuối tháng 4 vừa qua, ông đã đem 2 con bò cái, đạt trọng lượng khoảng 160 kg/con để giao lại cho 2 hộ nghèo khác trong xã nuôi luân phiên. Ngày dẫn bò đến nhà văn hóa cộng đồng giao, ông không giấu được niềm vui: “Từ ngày được nhận bò, gia đình mình phấn khởi lắm. Ngoài số cỏ đã trồng, mọi người còn thay nhau dắt bò đi chăn thả để nó được ăn no, mau lớn. Tuy chưa có tiền bán bò nhưng mỗi ngày gia đình cũng thu được bình quân 30.000 đồng từ tiền bán phân bò nên cuộc sống đỡ khó khăn hơn nhiều. Gia đình mình là hộ đầu tiên trả đủ 2 con bò cái cho dự án, còn 4 con bây giờ là của mình, sẽ chăm cho chúng lớn để sinh sản tiếp, rồi có tiền từ bán bò, kinh tế khá giả, các cháu học hành chu đáo”. Là hộ được tiếp nhận bò do những hộ nuôi đợt 1 chuyển giao, ông Y Pana Niê ở buôn Nà Xược (xã Ea Huar) cũng rất phấn khởi: “Mình nghe về dự án này lâu rồi nhưng do đợt 1 gia đình chưa đủ tiêu chí bình chọn nên bây giờ mới được nhận bò. Mình sẽ cố gắng chăm sóc bò thật tốt, nhanh chóng có bò chuyển giao cho hộ khác để con bò này thực sự là tài sản của nhà mình”.
Quang cảnh buổi bàn giao bò theo Chương trình Heifer Việt Nam tại Nhà văn hóa cộng đồng xã Ea Huar (huyện Buôn Đôn) |
Chương trình Heifer Việt Nam đã triển khai dự án cấp bò sinh sản từ tháng 7 – 2007 và đã cấp 117 con bò cái (mỗi con trị giá 4,5 triệu đồng) và 4 con bò đực giống lai Sind cho 58 hộ nghèo của buôn Trí B (xã Krông Na) và buôn Rếch B (xã Ea Huar) huyện Buôn Đôn. Đến nay, đàn bò của dự án đã sinh sản được 80 con, trong đó có 29 con đủ tiêu chuẩn chuyển giao cho 29 hộ nghèo khác ở hai xã nói trên để tiếp tục nuôi luân phiên. Mỗi hộ được chọn tham gia dự án sẽ được cho mượn 2 con bò và phải cam kết chăm sóc bò sinh sản để chuyển giao lại bê con cho hộ khác. Khi nào bàn giao đủ 2 bê cái đạt trọng lượng từ 160-180 kg/con thì sẽ được sở hữu hoàn toàn 2 bò cái ban đầu. Cứ như vậy dự án sẽ được nhân rộng và ngày càng có nhiều hộ được hưởng lợi từ chương trình này. Điều đáng nói không chỉ hỗ trợ bò sinh sản, Chương trình Heifer Việt Nam còn cho mỗi hộ tham gia dự án vay từ 1,5 đến 2 triệu đồng không tính lãi để đầu tư phát triển sản xuất. Bên cạnh đó, mỗi hộ còn được cấp phát 80 kg hom cỏ giống để trồng làm thức ăn chăn nuôi bò. Những hộ tham gia dự án còn được tập huấn, chuyển giao kỹ thuật trồng trọt, chăn nuôi và được tổ chức tham quan, học hỏi những mô hình chăn nuôi bò hiệu quả ở các địa phương khác. Anh Y Thiên Bkrông, nhóm trưởng ở buôn Trí B cho biết: “Mỗi nhóm trong dự án nuôi bò có từ 15 đến 20 người, sinh hoạt đều đặn mỗi tháng một lần để cùng trao đổi kinh nghiệm trong việc chăn nuôi, trồng trọt và cách xây dựng gia đình hạnh phúc, nuôi dạy con cái. Ngoài ra, các thành viên trong nhóm sẽ đóng quỹ để cùng tương trợ, giúp đỡ nhau khi gặp khó khăn, hoạn nạn”. Không chỉ giúp các hộ nghèo có thêm thu nhập, ổn định cuộc sống, Chương trình Heifer Việt Nam còn quan tâm đến việc cải tạo môi trường sống của người dân thông qua việc đầu tư xây dựng 4 công trình giếng khoan và 2 hầm biogas trên địa bàn xã Ea Huar và Krông Na.
Anh Lê Hoa, Phụ trách Phòng Chăn nuôi (Trung tâm Khuyến nông tỉnh), Trợ lý dự án Heifer Việt Nam cho biết: “Sau hơn 3 năm triển khai, dự án hỗ trợ bò cái sinh sản trên địa bàn huyện Buôn Đôn đã đem lại hiệu quả thiết thực, góp phần giúp nhiều hộ nghèo ổn định cuộc sống bền vững. Nhận thấy hiệu quả từ dự án này, Trung tâm đang tiến hành xây dựng mô hình ở nhiều địa phương khác. Riêng từ đầu năm 2010 đến nay, Trung tâm đã hỗ trợ được 10 con bò cái sinh sản cho Hội Làm vườn tỉnh và huyện Krông Pak. Hình thức thực hiện cũng tương tự như dự án Heifer Việt Nam. Với cách làm này, tin tưởng rằng sẽ ngày càng có nhiều hộ thoát nghèo bền vững”.
Ý kiến bạn đọc