Multimedia Đọc Báo in

Hỗ trợ trồng rừng thay thế nương rẫy: Thêm một kênh xóa đói giảm nghèo

02:52, 23/05/2010

Dự án hỗ trợ người dân canh tác nông - lâm nghiệp bền vững trên diện tích nương rẫy đang được triển khai tại tỉnh Dal Lak sẽ từng bước thay đổi tập quán du canh, quảng canh bằng thâm canh tăng năng suất và phát triển nghề rừng, nâng cao hiệu quả sử dụng đất, góp phần ổn định cuộc sống… của đồng bào dân tộc thiểu số.

Dự án được triển khai trong 7 năm (2009 – 2015) với diện tích khoảng 3.000 ha cho 1.736 hộ gia đình với 9.624 khẩu tại các huyện: Lak, Ea H’leo, Krông Ana,  Krông Bông. Mục tiêu cụ thể: ổn định sản xuất 1,2 triệu ha nương rẫy hiện có, nâng cao hiệu quả sử dụng đất nương rẫy gấp 1,5 đến 2 lần; hình thành các mô hình canh tác trên đất dốc, gồm một số loài cây trồng nông lâm nghiệp, cây công nghiệp, vừa mang lại hiệu quả kinh tế cao vừa đáp ứng chức năng phòng hộ. Chi cục Kiểm lâm tỉnh cho biết: Toàn tỉnh hiện có khoảng 1,2 triệu ha nương rẫy của đồng bào dân tộc thiểu số nằm trên đất dốc, sản xuất kém hiệu quả đã được đưa vào quy hoạch. Với các biện pháp canh tác hợp lý sẽ góp phần giảm thiểu xói mòn, thoái hóa đất, nâng cao hiệu quả sử dụng đất, từ đó cải thiện đời sống, giảm đói nghèo cho khoảng 500 - 600 ngàn hộ sống dựa vào nương rẫy; bảo đảm  trung bình mỗi hộ có 2 ha đất canh tác nông - lâm nghiệp theo hướng thâm canh bền vững và đa dạng hóa sản phẩm; giải quyết việc làm cho gần 200 ngàn lao động. Trong quá trình chuyển một phần diện tích nương rẫy sang trồng rừng, người dân sẽ được hỗ trợ lương thực, ổn định cuộc sống hằng ngày, yên tâm lao động sản xuất với tổng kinh phí khoảng 19,5 tỷ đồng. Bên cạnh đó, khoảng 1,3 tỷ đồng từ dự án sẽ hỗ trợ đầu tư cho trồng rừng cũng như các hoạt động khuyến nông, khuyến lâm nhằm tạo mọi điều kiện thuận lợi để người dân  tham gia vào nghề rừng.

Vườn ươm giống cây lâm nghiệp của Công ty lâm nghiệp Ea Kar đã sẵn sàng cho mùa trồng rừng năm 2010.
Vườn ươm giống cây lâm nghiệp của Công ty lâm nghiệp Ea Kar đã sẵn sàng cho mùa trồng rừng năm 2010.

Canh tác nương rẫy là hình thức sản xuất nông nghiệp lâu đời gắn liền với đồng bào các dân tộc thiểu số sinh sống tại vùng cao, trong đó một bộ phận đồng bào vẫn còn tồn tại hình thức sản xuất nương rẫy trên những diện tích đất lâm nghiệp nên đã ảnh hưởng đến công tác bảo vệ rừng. Việc triển khai thực hiện Dự án trên sẽ bảo đảm cho các hoạt động sản xuất nương rẫy không tác động xấu đến tài nguyên rừng, góp phần thực hiện có hiệu quả Chương trình trồng mới 5 triệu ha rừng và Chiến lược phát triển lâm nghiệp đến năm 2020 của tỉnh. Đồng thời bảo đảm việc làm nương rẫy chỉ thực hiện trên những diện tích đã được quy hoạch, chấm dứt tình trạng phát, đốt, rừng, xâm hại trái phép vào diện tích rừng. Hiện Chi cục Kiểm lâm tỉnh đã tiến hành quy hoạch vùng sản xuất nương rẫy gắn với quy hoạch về giao rừng và giao đất lâm nghiệp. Đồng thời thực hiện đồng bộ các giải pháp, trong đó chú trọng đến công tác khuyến nông, khuyến lâm; lồng ghép các chương trình mục tiêu quốc gia, dự án cùng các nguồn vốn khác đang được triển khai trên địa bàn nhằm bảo đảm hiệu quả đầu tư. Hy vọng, sau 7 năm, Dự án này sẽ từng bước ổn định và cải thiện cuộc sống của đồng bào các dân tộc vùng sâu, vùng xa; bảo vệ tài nguyên rừng và góp phần thực hiện tốt công cuộc xóa đói giảm nghèo của Đảng và Nhà nước.

Lê Hương

 


Ý kiến bạn đọc