Huyện Krông Bông: Thuốc lá giá… bèo!
Hàng trăm ha thuốc lá nguyên liệu ở huyện Krông Bông đang chín vàng, thậm chí khô quắt quéo, nhưng người trồng không thèm thu hoạch vì không ai đứng ra thu mua, hoặc thu mua với giá quá thấp, khiến người dân ở đây gặp nhiều khó khăn.
Nợ nần đè nặng
Các xã Hòa Lễ, Hòa Phong, Khuê Ngọc Điền và thị trấn Krông Kma (Krông Bông) là vùng trồng thuốc lá nguyên liệu lớn nhất tỉnh Dak Lak hiện nay. Liên tục trong 3-4 năm qua, nhiều hộ gia đình ở đây đã trở nên khá giả hơn nhờ trồng cây thuốc lá. Rất nhiều hộ có thu nhập từ vài chục đến cả trăm triệu đồng một vụ, nhờ thế mà cuộc sống kinh tế gia đình được cải thiện đáng kể. Nhìn thấy hiệu quả mang lại quá “ấn tượng” từ loại cây trồng này, niên vụ 2010 diện tích cây thuốc là ở Krông Bông đã được mở rộng lên hơn 720 ha. Nhiều hộ nông dân đã không ngần ngại vay vốn trồng thuốc lá với hy vọng nhanh chóng “đổi đời”. Chị Đặng Thị Lan Phương, bà Ngọc Anh, ông Hoàng Triệu ở xã Hòa Lễ đều có chung suy nghĩ: quỹ đất ở đây dồi dào, mà nếu có thuê cũng với giá rất rẻ, chỉ cần trồng được 1-2 ha (năng suất bình quân 3 tấn/ha và giá bán ra như mấy năm trước 55.000 đồng/kg) thì mỗi vụ họ sẽ cầm chắc 150-300 triệu đồng. Trừ mọi chi phí (khoảng 1/3) thì mỗi ha thuốc lá cho thu nhập không dưới 100 triệu đồng/ hộ. Chị Lan Phương tâm sự: “Tôi vay mượn khắp nơi được gần 50 triệu để đầu tư trồng hơn 7 sào thuốc lá và tin chắc sau khi thu hoạch xong sẽ trả hết nợ nần, số còn lại tiếp tục thuê đất trồng thêm 1 ha nữa. Không ngờ, đến khi thu hoạch mới tá hỏa vì giá cả quá bèo, chỉ 25.000 đồng/kg, hạch toán ra (chưa kể tiền thuê đất) đã thấy lỗ mất 25 triệu đồng”. Hộ bà Ngọc Anh, ông Hoàng Triệu và nhiều người khác nữa ở Hòa Lễ, Hòa Phong cũng lâm vào cảnh lao đao tương tự. Thuốc chín vàng ươm, hái về nhiều khi phải đi năn nỉ người ta mới mua cho. Nếu không thì phải treo lên phơi đầy sân, đầy nhà… chờ khô đem bán xô cho thương lái với giá rẻ mạt hơn, từ 18.000-20.000 đồng/kg. Vì thế có nơi không ai thèm hái thuốc lá nữa, cứ mặc cho nó rũ khô ngoài đồng, dù biết nợ nần đè nặng, ông Hoàng Triệu buồn bã phân trần.
Người dân ở xã Hòa Lễ - Krông Bông phải hái lá thuốc về phơi khô để bán xô cho thương lái. |
Vì đâu nên nỗi...
Nhiều người ở Krông Bông lắc đầu ngao ngán trước thực trạng ảm đạm của cây thuốc lá hiện nay. Ông Phạm Phú Thiên - Trưởng Phòng Nông nghiệp huyện lý giải: Đây là hậu quả của sự liên kết lỏng lẻo, thiếu trách nhiệm của “4 nhà” (Nhà nông-nhà doanh nghiệp-nhà khoa học-nhà quản lý)! Vì những năm trước đây cũng như trong năm nay, diện tích thuốc lá của Krông Bông được quy họach, ấn định dựa trên hợp đồng cam kết giữa Công ty Cổ phần Hòa Việt (Công ty thuốc lá Nam cũ) với người nông dân. Theo hợp đồng, Hòa Việt sẽ đảm trách vai trò hướng dẫn kỹ thuật, quy trình chăm sóc, thu hái cũng như bao tiêu sản phẩm cho nông dân theo giá thỏa thuận và có lợi nhất cho người sản xuất. Nhờ thế số hộ nông dân ký hợp đồng trồng thuốc lá với Công ty này “ăn nên làm ra” là điều dễ hiểu. Đến năm 2010, thấy “tương lai tươi sáng” của cây thuốc lá như thế nên có ít nhất 8 doanh nghiệp đã xin phép đầu tư trồng cây thuốc lá vào đất Krông Bông mà không có bất kỳ một văn bản cam kết nào với người nông dân trong việc hướng dẫn kỹ thuật trồng trọt, quy trình chăm sóc, thu hái, nên mới dẫn đến nông nỗi thuốc lá đã chín vàng mà nông dân không màng thu hoạch (!)
Cũng theo ông Phạm Phú Thiên cho hay, trong số 722ha cây thuốc lá được trồng niên vụ 2010, thì chỉ có 280 ha là hợp đồng được ký kết giữa Công ty Cổ Phần Hòa Việt với nông dân nên được đơn vị này thu mua với giá 43.000 đồng/kg, tính ra vẫn thu lợi nhuận từ 30-35 triệu đồng một ha. Còn lại thì đổ bể, nợ nần vì sản xuất theo kiểu tự phát, thiếu sự liên kết cần thiết như đã nêu trên. Theo ông Thiên, đó cũng là bài học đáng suy nghĩ cho bất kỳ địa phương nào trong quá trình tổ chức sản xuất một loại cây trồng hay vật nuôi nào đó mà người nông dân quan tâm.
Phương Đình - Lê Hương
Ý kiến bạn đọc