Làm giàu trên vùng đất đồi khô cằn, sỏi đá
14:53, 05/05/2010
Những năm 1989-1990, khi gia đình anh Hoàng Xuân Đặng mới từ quê hương Hà Tĩnh vào xây dựng kinh tế mới tại thôn 4 xã Cư Mta (M’Drak), thôn 4 còn là một vùng đất đồi trọc hoang vu khô cằn, sỏi đá, giao thông khó khăn. Toàn thôn chỉ có 15 hộ đều là các gia đình trẻ mới từ phía Bắc vào xây dựng kinh tế mới. Do điều kiện khí hậu và đất đai không thuận lợi, thu nhập thấp, một số gia đình đã trở về quê hoặc chuyển đi nơi khác sinh sống. Anh Hoàng Xuân Đặng đã động viên vợ con quyết tâm bám trụ trên vùng đất này. Những ngày đầu, cuộc sống của gia đình anh gặp vô vàn khó khăn: vốn liếng không có, bệnh sốt rét hoành hành, chăn nuôi và trồng trọt đều thất bại…
Năm 1998, Hội nông dân xã Cư M’ta đã tạo điều kiện cho anh tham gia các lớp tập huấn về kỹ thuật chăn nuôi và trồng trọt, đồng thời đứng ra tín chấp ngân hàng cho vay vốn. Với số vốn vỏn vẹn 2 triệu đồng, anh đã đầu tư vào trồng lúa, trồng bắp và chăn nuôi gà…với phương châm lấy ngắn nuôi dài. Anh đã biết áp dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất, tích cực khai hoang mở rộng diện tích. Đặc biệt, anh đã sáng tạo xây dựng các mô hình nông - lâm kết hợp như: chăn nuôi bò và trồng rừng, nuôi gia cầm và trồng cây công nghiệp. Để bảo đảm vệ sinh môi trường và tận dụng phụ phẩm trong chăn nuôi, anh đào các hố lớn để ủ phân bò nuôi giun đất lấy thức ăn nuôi gia cầm, sau đó lấy phân đã ủ bón cho cây cà phê; trong trồng rừng, anh dùng phương pháp dâm hom cây trồng phát triển nhanh, vì vậy diện tích rừng anh trồng chỉ từ 6-8 năm đã cho thu hoạch, rút ngắn từ 2-4 năm so với cách trồng thông thường; trong nuôi bò anh áp dụng phương pháp bán công nghiệp để giảm bớt công chăm sóc và kiểm soát được dịch bệnh; nuôi heo thì lấy phân bón cho lúa kết hợp nuôi cá để giảm chi phí đầu tư. Đến nay, mô hình trang trại khép kín nông – lâm kết hợp với diện tích gần 10 ha mang lại số tiền lãi trên 100 triệu đồng mỗi năm. Nhờ vậy, gia đình anh đã xây được nhà khang trang và mua sắm đầy đủ trang thiết bị sinh hoạt, các con anh đều được ăn học đầy đủ. Không chỉ làm giàu cho bản thân, anh Đặng còn tích cực giúp đỡ bà con chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi; cho mượn hàng chục triệu đồng không lấy lãi, cho mượn bò lấy sức cày kéo…
Năm 2005, anh Đặng vinh dự được bà con tín nhiệm bầu làm thôn trưởng, lúc bấy giờ trên 70% số hộ trong thôn đều thuộc diện đói, nghèo các phong trào hầu như không phát triển. Với vai trò trưởng thôn, anh Đặng đã xây dựng kế hoạch tuyên truyền, vận động bà con tích cực tham gia lao động sản xuất và các phong trào văn hóa văn nghệ, thể dục thể thao. Đến nay, thôn đã xây dựng được Hội khuyến học với 100% gia đình tham gia và tự nguyện đóng góp Quỹ hàng triệu đồng mỗi năm. Năm 2009, thôn có 30% số hộ có thu nhập 100 triệu đồng/năm, tỷ lệ hộ nghèo giảm từ 30 hộ xuống còn 5 hộ; 30% gia đình trong thôn có con học Đại học. Nhiều năm liền thôn 4 đều đạt danh hiệu thôn văn hóa.
Với những thành tích đã đạt được gia đình anh Hoàng Xuân Đặng đã được biểu dương, khen thưởng tại Đại hội thi đua yêu nước huyện M’Drak năm 2010.
Năm 2005, anh Đặng vinh dự được bà con tín nhiệm bầu làm thôn trưởng, lúc bấy giờ trên 70% số hộ trong thôn đều thuộc diện đói, nghèo các phong trào hầu như không phát triển. Với vai trò trưởng thôn, anh Đặng đã xây dựng kế hoạch tuyên truyền, vận động bà con tích cực tham gia lao động sản xuất và các phong trào văn hóa văn nghệ, thể dục thể thao. Đến nay, thôn đã xây dựng được Hội khuyến học với 100% gia đình tham gia và tự nguyện đóng góp Quỹ hàng triệu đồng mỗi năm. Năm 2009, thôn có 30% số hộ có thu nhập 100 triệu đồng/năm, tỷ lệ hộ nghèo giảm từ 30 hộ xuống còn 5 hộ; 30% gia đình trong thôn có con học Đại học. Nhiều năm liền thôn 4 đều đạt danh hiệu thôn văn hóa.
Với những thành tích đã đạt được gia đình anh Hoàng Xuân Đặng đã được biểu dương, khen thưởng tại Đại hội thi đua yêu nước huyện M’Drak năm 2010.
Tiến Ninh
Ý kiến bạn đọc