Multimedia Đọc Báo in

Sản xuất cà phê chồn: Triển vọng và những rào cản

10:53, 05/05/2010

 Hiện nay, nhiều người dân ở Dak Lak đã đầu tư sản xuất cà phê chồn và bước đầu thu được kết quả ngoài mong đợi. Đây là sản phẩm cà phê độc đáo, lợi nhuận rất lớn và ngày càng được khách hàng ưa chuộng. Tuy nhiên, người nông dân vẫn còn gặp nhiều khó khăn trong sản xuất và tiêu thụ sản phẩm.


Hiệu quả cao, thân thiện với môi trường

Chồn ăn những quả cà phê chín mọng thơm ngon.
Chồn ăn những quả cà phê chín mọng thơm ngon.
Cà phê chồn được tạo ra rất độc đáo, cứ vào vụ cà phê, chồn hương chọn ăn những quả chín mọng, không bị sâu, enzim tiêu hóa trong dạ dày con chồn tương tác với vỏ cà phê làm thay đổi thành phần và hương vị hạt cà phê thải ra theo đường tiêu hóa. Loại cà phê này có hương vị hấp dẫn, quyến rũ đặc biệt đến vị giác người thưởng thức. Quy trình tạo nên cà phê chồn và tác dụng của nó đã được các nhà khoa học khẳng định và được khách hàng các nước phát triển ưa chuộng; sản phẩm có giá rất cao và bền vững về quy trình sản xuất theo hướng sinh học.
Anh Hoàng Mạnh Cường (phường Tân Tiến – TP. Buôn Ma Thuột) là một “đại gia” cà phê chồn. Anh đầu tư xây dựng hệ thống chuồng trại đúng tiêu chuẩn kỹ thuật và bắt đầu nuôi chồn từ năm 2004 với số lượng 13 con. Vào vụ thu hoạch cà phê, anh đến tận vườn chọn mua những quả chín mọng, chất lượng tốt nhất với giá cao hơn 2 – 3 lần giá thị trường về cho chồn ăn. Cà phê chồn được thu hoạch vào buổi sáng sau khi chồn thải ra hạt cà phê còn nguyên, đem rửa sạch, sấy khô đóng gói; một vụ cà phê, mỗi con chồn có thể cho 5 – 6 kg sản phẩm. Anh Cường cho biết, để có được sản phẩm cà phê chồn đúng nghĩa, chất lượng tốt phải nuôi chồn trong điều kiện giống môi trường sống tự nhiên và chăm sóc tốt, cà phê cho chồn ăn không bị sâu hoặc nhiễm thuốc hóa học. Năm 2009, anh thu được 500 kg cà phê từ đàn chồn nuôi (hiện đã phát triển lên 80 con), sản phẩm làm ra chủ yếu bán lẻ cho khách du lịch và những người có thu nhập cao, với giá 1 – 1,5 triệu đồng/kg. Bên cạnh đó, anh còn ký hợp đồng cung cấp sản phẩm ổn định cho Công ty Sài Gòn Ban Mê để xuất khẩu sang Nhật và các nước châu Âu. Theo anh Cường, làm cà phê chồn không khó, thu nhập mang lại rất lớn và thân thiện với môi trường. Thêm nữa, do chồn chỉ ăn những quả cà phê chín và không có chất hóa học nên khi mô hình làm cà phê chồn phổ biến có thể thay đổi thói quen thu hái cà phê xanh của bà con nông dân.

Khó khăn phía trước
Dak Lak có rất nhiều lợi thế để sản xuất cà phê chồn, nhưng do giá quá cao nên sản phẩm này khó có thể tiêu thụ ở nội địa mà chủ yếu dành cho xuất khẩu. Từ đó, người nông dân gặp nhiều khó khăn, lúng túng trong sản xuất và tiếp cận thị trường quốc tế. Thông thường các doanh nghiệp thu mua sản phẩm xuất khẩu đều yêu cầu người sản xuất phải chứng minh được nguồn gốc pháp lý rõ ràng của sản phẩm, bởi chồn hương là động vật hoang dã quý hiếm được bảo tồn, cấm nuôi trái phép. Số chồn anh nuôi có đầy đủ các thủ tục đăng ký và cho phép của các cơ quan chức năng. Khách hàng của anh cũng được mời xem tận mắt quy trình sản xuất cà phê chồn nên hoàn toàn yên tâm về chất lượng sản phẩm.
Anh Hoàng Mạnh Cường và sản phẩm cà phê chồn chuẩn bị đem bán.
Anh Hoàng Mạnh Cường và sản phẩm cà phê chồn chuẩn bị đem bán.
Từ hiệu quả sản xuất cà phê chồn của anh Cường, anh Phan Thanh Lượng (xã Ea Kao – TP. Buôn Ma Thuột) bắt đầu vào nghề này từ đầu năm 2009 với 10 con chồn được nuôi. Vụ đầu tiên anh thu được 60 kg sản phẩm. Sắp tới muốn tăng số lượng đàn chồn, nhưng các thủ tục về con giống và tiêu thụ sản phẩm xem ra rất khó khăn nên anh chưa quyết định đầu tư mở rộng. Về thủ tục pháp lý đăng ký nuôi chồn và bán sản phẩm, anh Lượng đang nhờ anh Cường hướng dẫn, giúp đỡ.
 
Một khó khăn nữa của người sản xuất cà phê chồn sinh học là trên thị trường có nhiều loại cà phê chồn công nghiệp, sử dụng hương chồn hóa học nên dễ gây nhầm lẫn cho khách hàng, không phân biệt được đâu là cà phê chồn tự nhiên, đâu là cà phê chồn công nghiệp dẫn đến nhiều nông dân sản xuất cà phê chồn khó tiêu thụ được sản phẩm cũng vì lí do này. Anh Nguyễn Quốc Khánh (xã Krông Buk, huyện Krông Pak) là người làm nghề này khá sớm nhưng phải bỏ do sản phẩm làm ra dù rất tốt vẫn không bán được, vì anh không chứng minh được các thủ tục pháp lý về nuôi chồn. 
 
Cà phê Dak Lak đã được biết đến ở nhiều nước trên thế giới, nhưng cà phê chồn vẫn chưa khẳng định được giá trị và thương hiệu của mình. Nếu được chú trọng đầu tư phát triển, trong tương lai sản phẩm này sẽ bổ trợ cho thương hiệu Cà phê Buôn Ma Thuột vươn xa hơn, tạo nên thế mạnh đặc biệt cho cà phê nước nhà.
Minh Thông

Ý kiến bạn đọc