Multimedia Đọc Báo in

Tăng cường kiểm soát nhập khẩu, kiềm chế nhập siêu

08:40, 26/05/2010
Theo Bộ Công thương, tốc độ tăng trưởng nhập khẩu tháng 5 tuy có giảm, nhưng tính chung từ đầu năm đến nay nhập siêu vẫn có xu  hướng gia tăng.

Nhập khẩu nhiều mặt hàng nguyên nhiên vật liệu tăng mạnh về lượng trong thời gian gần đây cho thấy sản xuất, xuất khẩu đang trên đà tăng trưởng. Tuy nhiên, giá nhập khẩu nhiều mặt hàng tăng mạnh ảnh hưởng không nhỏ đến đầu vào của sản xuất kinh doanh, trong khi đó giá hàng hóa xuất khẩu lại tăng không bằng giá nhập khẩu, gây nhiều khó khăn cho doanh nghiệp sản xuất xuất khẩu. 
Nhập siêu có dấu hiệu gia tăng trong 4 tháng đầu năm. Việc nhập siêu tăng cao chủ yếu là do nhập khẩu của khối doanh nghiệp FDI tăng mạnh, cụ thể trị giá nhập khẩu của khối này so với cùng kỳ 2009 tăng 3,66 tỷ USD, trong khi của doanh nghiệp trong nước chỉ tăng 2,85 tỷ USD. Nếu so với cùng kỳ 2008 thì nhập siêu vẫn ở mức chấp nhận được và mức nhập siêu hiện nay vẫn chưa đáng lo ngại. Ngoài ra, nhập khẩu hàng tiêu dùng trong 4 tháng đầu năm tăng 31,5%, được đánh giá là khá tích cực vì mức tăng này thấp hơn so với mức tăng trưởng bình quân nhập khẩu cả nước. 
Hiện, Bộ Công thương đang tăng các biện pháp kiểm soát nhập khẩu, kiềm chế nhập siêu. Đó là, phối hợp với các bộ, ngành xây dựng Quy chế và thực hiện Chương trình xúc tiến thương mại quốc gia, nâng cao hiệu quả các chương trình xúc tiến thương mại; Xây dựng cơ chế, chính sách hỗ trợ tiêu thụ nông sản, thủy sản của một số ngành hàng có lượng hàng hoá lớn, hỗ trợ nông dân theo cam kết của Việt Nam với WTO về hỗ trợ nông nghiệp.
 
Cần có cơ chế hỡ trợ tiêu thụ thủy sản
Cần có cơ chế hỗ trợ tiêu thụ thủy sản.            Ảnh: H.H
 
Bên cạnh đó, Bộ Công thương cũng hỗ trợ tối đa các doanh nghiệp xuất khẩu về tiếp cận vốn để sản xuất, xuất khẩu, cải cách thủ tục, rút ngắn thời gian thông quan, quyết toán thuế; Khuyến khích đầu tư chiều sâu tăng sản lượng hàng xuất khẩu, hạn chế đầu tư vào các lĩnh vực phi sản xuất; Đôn đốc các tập đoàn, tổng công ty Nhà nước đẩy mạnh sản xuất, đẩy nhanh tiến độ các công trình, dự án sản xuất hàng trong nước thay thế hàng nhập khẩu: các dự án lọc dầu (Lọc dầu số 2 và 3 của Nhà máy Dung Quất); các dự án phân bón (nhà máy DAP Hải Phòng, đạm Ninh Bình và Hà Bắc mở rộng); các dự án Giấy (nhà máy giấy Phương Nam, Nhà máy giấy ở Kon Tum, Tuyên Quang). Mặt khác, Bộ Công Thương đang xin ý kiến các bộ, ngành về dự thảo Nghị định về các chính sách ưu đãi phát triển công nghiệp hỗ trợ để sớm trình Thủ tướng Chính phủ ban hành. 

Để kiểm soát nhập khẩu, Bộ Công thương cho biết sẽ tăng cường kiểm tra chất lượng hàng hoá nhập khẩu đối với các mặt hàng thuộc nhóm 2 theo quy định của Luật chất lượng sản phẩm, hàng hoá và các mặt hàng thuộc danh mục bắt buộc kiểm tra Nhà nước; Ban hành quy chuẩn kỹ thuật đối với xăng dầu, một số thiết bị điện, điện tử, mũ bảo hiểm xe máy, đồ chơi...; xây dựng danh mục các máy móc, thiết bị, vật tư, nguyên liệu trong nước sản xuất được phục vụ thay thế hàng nhập khẩu; điều tiết tiến độ nhập khẩu xăng dầu, đề nghị các doanh nghiệp đầu mối ưu tiên sử dụng sản phẩm của Nhà máy Lọc dầu Dung Quất và dự trữ lưu thông theo quy định. Bộ Tài chính tăng cường kiểm soát giá tính thuế nhập khẩu đối với một số mặt hàng không thiết yếu trong phạm vi cam kết WTO. Bộ Bưu chính Viễn thông rà soát lại nhu cầu nhập khẩu thiết bị 3G và điện thoại 3G để có các biện pháp phù hợp điều tiết việc nhập khẩu thiết bị và điện thoại này, tránh không làm tăng đột biến, quá mức cần thiết việc nhập khẩu. Ngoài ra, Bộ Công Thương đang phối hợp với các Bộ Nông nghiệp và PTNT, Bộ Y tế xác định danh mục các mặt hàng thực phẩm không cần thiết, nhập khẩu theo đường thương mại, đường biên mậu và cư dân biên giới, cần kiểm soát vệ sinh an toàn thực phẩm, bảo vệ người tiêu dùng trong nước.
 
H.H (Tổng hợp)

Ý kiến bạn đọc